Sáng 19-8, Ban công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam TP.HCM, tổ chức hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý III- 2022.
Hội nghị do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì đã ghi nhận nhiều ý kiến về những vấn đề bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với đời sống xã hội.
Cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong các cơ quan hành chính nhà nước cũng được đề cập tại hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ngăn việc hình thành các nhóm tham nhũng
Tại đây, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến về vấn đề tham nhũng.
Ông Khoa nói, cá nhân ông cảm thấy đang có sự trì trệ manh nha trong xã hội. Dường như sự quyết liệt, nhiệt huyết, xông xáo, sáng tạo, nhảy vào việc mới, xông vào việc khó, giải quyết việc chung của đất nước ở từng đơn vị, địa phương có cảm giác đang chậm lại. Điển hình của sự chậm trễ này là nhiều dự án, công trình chậm tiến độ.
“Chúng ta chắt chiu tiền của dân để làm dự án nhưng có tiền rồi mà làm không ra, giải ngân không ra”- ông Khoa nêu ý kiến.
Sự e dè, chỉ làm cho tròn vai đó hình như đang lan tỏa các cấp, tổn hại cho sự phát triển đất nước.
Ông Khoa cũng dành mối quan tâm lớn về công tác phòng, chống tham nhũng. Sự quyết liệt của Trung ương trong việc xử lý hàng loạt các cán bộ sai phạm trong vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu... đã một lần nữa khẳng định quan điểm đúng đắn của Chính phủ. Người dân đã rất hài lòng, tin tưởng bởi Trung ương, Chính phủ đã đi đến tận cùng sự việc này.
Ông Đặng Văn Khoa đã có nhiều ý kiến về vấn đề tham nhũng. Ảnh: THANH TUYỀN |
Tuy vậy theo ông Khoa, người dân vẫn đang đau đáu việc cứ sau mỗi cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực là lại có một số vụ việc nổi lên, người này người kia ở các cấp vi phạm.
Ông Khoa cho rằng cần tạo cơ chế để cán bộ không thể tham nhũng, không thể cấu kết thành những nhóm lớn như Việt Á là điển hình.
Cần bảo vệ người tố cáo tham nhũng tốt hơn
Cùng mối bận tâm về nạn tham nhũng, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng bị nhìn nhận là người gây mất đoàn kết nội bộ, cơ quan, đơn vị. Có cán bộ Đảng viên tố cáo tham nhũng, tiêu cực bị cho là đối tượng tranh giành, “kèn cựa địa vị”, có nơi cách đối xử với người tố cáo tham nhũng là “bới lông tìm vết”, xem người đó có sơ hở, vi phạm gì không để xử lý, hạ uy tín người tố cáo.
“Điều này cũng làm nhụt chí người tố cáo và gần như chưa ghi nhận trường hợp cán bộ, đảng viên nào tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực sau đó lại được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn” - LS Hậu nói và cho rằng đây là rào cản trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nêu ý kiến việc phòng, chống tham nhũng. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo LS Hậu, một số cán bộ cao cấp như cựu Bí thư tỉnh Bình Dương, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng lọt qua khâu giám sát từ cơ sở, địa phương và sau khi đảm nhiệm chức vụ khác cao hơn mới bị phát hiện các sai phạm và xử lý.
LS Hậu cho rằng cần có cơ chế kiểm soát quyền lực mà trước hết là kiểm soát thực thi người đứng đầu dù thực tế, đây là vấn đề khó bởi người đứng đầu có quyền quyết định rất lớn đối với công tác nhân sự và các vấn đề kinh tế - xã hội.
Cạnh đó, cần tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, chức vụ. Để công tác này đạt được hiệu quả thì ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, kiểm sát viên phải kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra nhằm xác minh làm rõ thiệt hại về tài sản gây ra, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội… Viện kiểm sát cần phối hợp với cơ quan điều tra để đề ra các yêu cầu thu hồi tài sản trong quá trình điều tra vụ án.
Đồng thời, cần bố trí những người có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh vào vị trí người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chống tham nhũng, tiêu cực…
Chống tham nhũng 'vặt' hơn nữa
Góp ý kiến tại hội nghị, ông Lê Hải Châu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nêu quan điểm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ tập trung ở vấn đề lớn lao mà phải chú tâm để cả những việc nhỏ diễn ra trong đời sống hàng ngày.
“Người dân đến cơ quan chính quyền ai cũng lắc đầu, ngao ngán vì có tình trạng tham nhũng vặt, làm phiền dân, làm người dân mất lòng tin” - ông nói và cho rằng cần có động thái quyết liệt từ gốc, ở cơ sở, cơ quan gần dân, tránh làm bào mòn niềm tin của nhân dân.
Ông Châu cũng đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, văn phòng một cửa, xây dựng văn hóa ứng xử... trong việc giải quyết thủ tục hành chính.