“Tôi vừa đi tìm hiểu một dự án nhà ở bình dân tại quận 12 với 268 căn hộ mở bán không lâu đã được tiêu thụ hết. Trước đó, một dự án nhà phân khúc này ở quận 9 cũng không còn căn hộ để bán. Các quận, huyện vùng ven, cứ có dự án nhà ở vừa túi tiền là đều bán được”. đó là nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCMvào cuối tuần qua.
Căn hộ ngoại thành đang hút khách
Theo ông Châu, hiện nay căn hộ bình dân đều tập trung ở khu vực thuộc quận/huyện ngoại thành như 12, Nhà Bè, Bình Tân,… “Về tầm nhìn, tôi thấy các nhà đầu tư nên làm ở các vùng ven và phải lưu ý việc gắn với phát triển quy hoạch đô thị ở các tỉnh lân cận và bài toán kết nối giao thông, chức năng, dịch vụ” - ông Châu phân tích.
Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP BĐS DKRA Việt Nam (DKRA), cho biết: “Hiện Việt Nam có tỉ lệ dân số trẻ nhiều và mức thu nhập không cao nên hướng đến căn hộ bình dân với nhu cầu mua nhà để ở. Trong quá trình đô thị hóa và các chương trình cải tạo, chuyển đổi chung cư cũ, tái định cư nhà ở ven kênh rạch, căn hộ vừa túi tiền được xem là phân khúc phù hợp với nhu cầu nhà ở bức thiết và điều kiện tài chính của người dân”.
Anh VCT (người mua căn hộ ở quận 12) cho biết giá đất tăng nhiều nên người có thu nhập tầm trung khó có thể mua được, rồi nguồn vốn để xây nhà cũng là vấn đề lớn. Rồi nhu cầu sinh hoạt ngoài trời như sân chạy bộ, cây xanh,… làm cho nhiều người có suy nghĩ nên mua căn hộ bình dân trong một chung cư có không gian xanh thì phù hợp hơn.
Nguồn cầu cao, nguồn cung thấp
Trái ngược với nhu cầu của người mua ngày một tăng, nguồn cung thị trường căn hộ bình dân đang có xu hướng khan hiếm.
Công ty nghiên cứu và tư vấn Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL Việt Nam) cho biết đến quý III-2018, tổng nguồn cung căn hộ các phân khúc trên toàn thị trường hơn 270.000 căn, trong đó phân khúc bình dân chiếm đến 43%.
“Nhu cầu thực tế là rất lớn, số lượng nguồn cung dù được cải thiện nhưng vẫn chiếm tỉ trọng chưa đến 3% tổng lượng nhu cầu ở thực, chưa kể đến nhu cầu mua đầu tư bán lại và cho thuê. Đó là lý do vì sao thị trường có cảm giác nguồn cung đang khan hiếm” - JLL đánh giá.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group, cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vay BĐS, điều chỉnh tăng lãi suất cho vay là điều hợp lý. Nếu ngân hàng ồ ạt cho vay BĐS lãi suất thấp sẽ khiến cung tiền đổ vào thị trường địa ốc không trúng đích, dễ xảy ra tình trạng sốt ảo. Mặt trái của chính sách thắt chặt tín dụng lại khiến nguồn cung bị hạn chế do chủ đầu tư không dễ dàng vay vốn ngân hàng để phát triển dự án như trước. “Từ đây, một vòng luẩn quẩn lại xuất hiện đó là khan hiếm nguồn cung nhưng lượng cầu ở thực luôn tăng, qua đó sẽ đẩy giá căn hộ và thiết lập mặt bằng giá mới” - ông Phúc nhận định.
Không có nguồn cung mới Theo báo cáo của DKRA, trong ba tháng gần nhất, thị trường có 18 dự án được mở bán (bao gồm dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung ứng 7.152 căn, bằng 79% so với quý trước. Tuy nhiên, đáng chú ý là phân khúc căn hộ hạng bình dân không có nguồn cung mới. Còn số liệu từ DKRA cho thấy từ giữa năm 2017 đến nay, phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) có sự sụt giảm mạnh và luôn bị áp đảo bởi căn hộ hạng A, B, thậm chí có những tháng không có nguồn cung mới. Nếu như nguồn cung căn hộ hạng C chiếm 32% trên thị trường trong quý I-2018, 29% trong quý II-2018 thì sang quý III-2018, nguồn cung ghi nhận bằng 0%. |