Ngày 27-6 tới, TAND tỉnh Đắk Lắk sẽ xét xử phúc thẩm vụ ông Nông Văn Thụt bị truy tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo khoản 1 Điều 202 BLHS. Ông Thụt chính là người đã tố cáo bà Trương Thị Hoa (sinh năm 1963, nguyên phó chánh án TAND huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã có hành vi nhận hối lộ của ông 80 triệu đồng.
Bị xử tù sau khi tố cáo
Theo hồ sơ, lúc 6 giờ 10 ngày 30-6-2016, ông Thụt (sinh năm 1969, trú thôn 12, xã Cư Yang, huyện Ea Kar) điều khiển ô tô lưu thông trên địa bàn xã Cư Yang thì xảy ra va chạm với xe đạp do bà G. trú cùng xã khiến bà này tử vong. Ông Thụt đã mang 110 triệu đồng lo chi phí cho gia đình nạn nhân và được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại.
Ông Thụt bị khởi tố về tội danh trên. Trong quá trình TAND huyện Ea Kar chuẩn bị xét xử thì ông tố cáo hành vi nhận hối lộ của bà Hoa với tư cách là thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án. Theo ông Thụt, tai nạn là ngoài ý muốn và đã bồi thường cho bị hại 110 triệu đồng, gia đình bị hại có bãi nại. Tuy nhiên, bà Hoa vẫn liên tục vòi vĩnh tiền để xử án treo, nếu ông Thụt không đưa thì sẽ xử tăng án 5-15 năm tù…
Xác minh đơn tố cáo, ngày 21-12-2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định khởi tố vụ án nhận hối lộ để tiến hành điều tra. Sau đó, công an tỉnh đã chuyển vụ án cho CQĐT của VKSND Tối cao điều tra theo thẩm quyền (vì nghi can là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp).
Tháng 1-2017, CQĐT VKSND Tối cao đã khởi tố bị can đối với bà Hoa về tội nhận hối lộ. Mới đây nhất, cơ quan này đã có kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của VKSND Tối cao, đề nghị truy tố bà Hoa theo khoản 3 Điều 279 BLHS.
Ông Nông Văn Thụt tại TAND huyện Ea Kar, Đắk Lắk sau phiên xử sơ thẩm. Ảnh: N.QUYNH
Trở lại vụ án của ông Thụt. Tháng 12-2016, TAND huyện Ea Kar xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Thụt 18 tháng tù về tội danh trên. Ông Thụt kháng cáo kêu oan.
Luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), người bào chữa cho bị cáo Thụt, cho biết mặc dù tại phiên tòa ông đã tranh luận về cơ cấu va chạm dẫn tới tai nạn nhưng chưa được đại diện VKS đối đáp. Ngoài ra, ngày 10-8-2016 gia đình người bị hại đã có đơn gửi CQĐT theo hướng bãi nại dân sự và không yêu cầu điều tra, xử lý về hình sự cho ông Thụt. Đơn này được đóng dấu bút lục trong hồ sơ. Nhưng tại tòa, VKS cho rằng đơn của người bị hại không nêu rõ là miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) hay không…
Phạt tù là quá nặng?
Theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), ông Thụt phải được tòa vận dụng Điều 29 BLHS 2015 bởi điều luật này có lợi cho bị cáo mà Quốc hội đã có Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29-6-2016 cho phép áp dụng. Cụ thể, khoản 3 điều luật này quy định người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng và được người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn TNHS thì có thể được miễn TNHS.
đơn của gia đình người bị hại ngày 10-8-2016 thể hiện ý chí của họ là bãi nại dân sự và không yêu cầu điều tra, xử lý về hình sự với ông Thụt, tức là đề nghị miễn TNHS. Cơ quan tố tụng phải căn cứ vào đây để xem xét miễn TNHS cho ông Thụt, không nên máy móc bắt bẻ câu chữ làm mất đi quyền được hưởng nguyên tắc có lợi của bị cáo.
Ngoài ra, điểm c Điều 29 cũng quy định người phạm tội góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận cũng được xem xét miễn tội. Bị cáo Thụt đã tố cáo bà Hoa và bà này đã bị khởi tố, đề nghị truy tố, tức là cũng góp phần vào việc phát hiện tội phạm. Khi xét xử, tòa cũng nên xem xét tình tiết này.
LS Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cùng nhận định: “Tôi nghĩ cơ quan tố tụng phải áp dụng Điều 29 BLHS 2015 để xem xét miễn TNHS cho bị cáo”. Đó là chưa nói còn phải xem xét các yếu tố, tình tiết giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng hình phạt khác ngoài phạt tù. Khoản 1 Điều 202 BLHS mà bị cáo bị truy tố quy định hình phạt khá nhẹ: Bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Ngoài ra, cần xem xét tình tiết có thể bị cáo sẽ được khen thưởng vì đã tố cáo tiêu cực trong vụ án của bà Hoa. Trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, TAND tỉnh Đắk Lắk cần đánh giá toàn diện vụ án để có phán quyết phù hợp.
Ông Thụt sẽ được khen thưởng? Sau khi tố cáo tiêu cực, ông Thụt đã làm đơn gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk đề nghị được khen thưởng vì đã tố cáo tham nhũng đúng. Ngày 9-2, Ban Nội chính có công văn gửi ông Thụt. Cơ quan này cho biết sẽ lưu đơn theo dõi, khi nào có kết luận điều tra của CQĐT VKSND Tối cao về hành vi của bị can Hoa thì Ban Nội chính sẽ hướng dẫn ông gửi đơn tới các cơ quan chức năng để xem xét khen thưởng. Theo Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ (có hiệu lực ngày 1-5-2015), cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; cá nhân lập thành tích xuất sắc trong việc cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ được khen thưởng. Hình thức khen thưởng có thể là huân chương Dũng cảm; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Ngoài mức thưởng theo quy định chung của Luật Thi đua, khen thưởng, cá nhân được khen thưởng còn được thưởng từ Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với mức thưởng lên tới hàng tỉ đồng. T.TÙNG |