Cần mở hết nấc cho hoạt động giải trí khi TP.HCM là vùng xanh

Tính đến ngày 15-1, UBND TP.HCM đã có thông báo về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Theo đó, dịch COVID-19 tại TP vẫn duy trì được cấp độ 1 là vùng xanh, nguy cơ thấp. Như thế, TP.HCM đã hơn hai tuần liên tiếp là vùng xanh.

Diễn viên mất hút, xa cách khán giả

Tuy là vùng xanh nhưng tình hình giải trí ở TP.HCM vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Cho đến hiện tại, các sân khấu kịch, nhà hát, rạp phim vẫn chưa dám dựng vở mới, đưa nhiều phim mới ra rạp.

Sau một mùa tết Dương lịch, chỉ có phim Việt mới duy nhất ra rạp là Rừng thế mạng và doanh thu bộ phim vẫn chưa được như mong muốn. Hiện các nhà đầu tư, phát hành phim Việt âm thầm rút lui khỏi thị trường phim cuối năm bởi thị phần phim cả nước chỉ mới mở cửa 60%.

Ngày 17-1, nhà sản xuất phim Bẫy ngọt ngào quyết định đưa phim ra rạp ngày 11-2 tới, ngay sau tết âm lịch. Đây được xem là một quyết định khôn ngoan nhưng không kém phần phiêu lưu. Khôn ngoan bởi bộ phim này màu sắc phù hợp cho mùa giải trí ngay sau tết và trước dịp lễ Tình nhân 14-2; tuy nhiên vẫn là quyết định phiêu lưu bởi thị phần phim cả nước chỉ mới đạt 60%; các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng… vẫn chưa được phép mở rạp phim và ngay tại TP.HCM, rạp phim vẫn giãn cách.

Chia sẻ về quyết định đầy mạo hiểm này, nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng của phim Bẫy ngọt ngào cho biết: “Phim để càng lâu thì nhà đầu tư, nhà sản xuất như chúng tôi càng đau đầu. Bởi những nhà làm phim Việt không phải dư dả tiền để đầu tư làm phim, khi nào thu lại tính sau; mà là một thị trường mà các nhà sản xuất, nhà làm phim lẫn phát hành cần xoay vòng vốn. Với Bẫy ngọt ngào đã bị ảnh hưởng lớn từ hai năm đại dịch, dù không áp lực tài chính nhiều như các đoàn làm phim khác nhưng chúng tôi không thể để dàn diễn viên chờ đợi hình ảnh họ mất hút quá lâu. Điều chúng tôi mong mỏi nhất là mọi thứ hãy trở về cuộc sống bình thường; rạp phim, sân khấu, phòng trà… được mở  lại. Đó không chỉ là về miếng cơm manh áo của nghệ sĩ, các dịch vụ kèm theo… mà hơn cả còn vì khán giả để họ không mất thói quen ra rạp xem phim, tới sân khấu xem kịch hay nghe nhạc ở phòng trà”.

Các diễn viên trong Bẫy ngọt ngào chờ đợi phim ra rạp sau nhiều lần hoãn chiếu. (Ảnh do đoàn làm phim cung cấp)

Riêng bộ phim Bẫy ngọt ngào sau nhiều lần dời lịch khởi chiếu, chi phí để quảng bá thay đổi lịch chiếu… cũng tiêu tốn hơn 2 tỉ đồng.

Nhanh nhất cũng mất 1 năm nữa thị trường phim mới ổn

Và một thực tế rõ ràng từ sau tết Dương lịch đến nay rạp phim rất vắng vẻ bởi không có phim mới. Chưa bao giờ hệ thống rạp phim tại TP.HCM lại rơi vào tình trạng yên ắng như thời gian này dù đã hoạt động lại hai tháng nay.

“Trong dịp Giáng sinh, phim Người nhện kéo khán giả quay lại rạp được 70%-80% (tính trên số lượng rạp mở cửa). Tuy nhiên, sau Người nhện, thị trường không còn phim mới, các phim bom tấn thì đã lên VOD (Video on demand - Video theo yêu cầu) trước đó và khán giả Việt xem không bản quyền nhiều nên không còn đam mê tới rạp. Sau Người nhện, tỉ lệ khán giả ra rạp chỉ còn 15%-20%. Chúng tôi vẫn hy vọng mùa tết này khán giả với thói quen ra rạp là một cách giải trí mùa tết, rạp sẽ được ấm lên. Và nếu giữ được việc rạp ấm dần lên đều đặn thì tình hình rạp khoảng một năm nữa sẽ được trở lại như thời điểm trước đại dịch cuối 2019” - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung CGV Việt Nam, chia sẻ.

Và một nỗi lo xa hơn việc thiệt hại về xoay vòng vốn, khán giả mất thói quen… chính là các nghệ sĩ, đoàn làm phim gần như uể oải khi bắt tay vào các dự án mới. Sự lo sợ khán giả không đón nhận lẫn diễn tiến khó lường trong những quyết sách chống dịch làm các nhà sản xuất, phát hành đều cảm thấy phiêu lưu. Vì thế, để có thể đưa thị trường điện ảnh nói riêng và thị trường giải trí nói chung trở về như thời điểm cuối năm 2019 thì cần phải mở cửa tất cả. Và không chỉ vùng xanh, mà cả nước dù cấp độ dịch ra sao thì hiện tỉ lệ tử vong đã giảm rất nhiều. Cùng đó, các tỉnh, thành hầu hết đã phủ đủ hai mũi vaccine và tiếp tục mũi 3, thế nên không thể dè dặt đóng cửa mãi. Mọi hoạt động đời sống chỉ có thể bình thường khi mọi thứ được đưa về bình thường như thời điểm trước dịch, không phải là một “bình thường mới” nào khác.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm