Ý kiến bạn đọc

Cẩn thận với dịch vụ 'chữa lành' trên mạng

(PLO)- Công việc “chữa lành” đúng nghĩa không phải phạm vi của những người không có chuyên môn hay tốt nghiệp vài khóa học ngắn hạn gắn mác “chữa lành”.

Khi tôi gõ từ “chữa lành” trên công cụ tìm kiếm Google, ngay lập tức có 43.700.000 kết quả trong 0,28 giây.

Có vẻ việc chữa lành, cùng các phương pháp, dịch vụ hay sản phẩm kèm theo rất được quan tâm. Các lớp/khóa học nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Nhiều người do tin tưởng và không tìm hiểu kỹ đã phải mất tiền cho những dịch vụ chữa lành trên mạng.

Cẩn thận kẻo “chữa lành thành què”

Chị Thanh Mai (quận 12, TP.HCM) cho biết bây giờ người ta lạm dụng từ chữa lành nhiều quá, làm như ai cũng có vấn đề hết vậy. Muôn vàn kiểu chữa lành với những khóa học, dịch vụ, chương trình có những cái tên rất “kêu”. Chẳng hạn, chữa lành tự kỷ, chữa lành tâm hồn, chữa lành tổn thương, chữa lành ung thư, chữa lành bằng năng lượng, chữa lành bằng thôi miên tiền kiếp…

Người dân nên cẩn thận với dịch vụ 'chữa lành' trên mạng

Vì “có bệnh phải vái tứ phương” nên có người đã sập bẫy “chữa lành” của các hội nhóm trên mạng xã hội. Một số nạn nhân của dịch vụ chữa lành đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng.

Anh Duy Lê ở TP.HCM cho biết anh có người thân tham gia một khóa chữa lành trên mạng. Sau một thời gian tham gia, người thân của anh phải bỏ ngang vì càng học càng không hiểu gì và tình trạng tâm lý càng nặng hơn.

Rất nhiều người sau khi tham gia hội thảo chữa lành, hay các cuộc khảo sát lấy ý kiến về khóa học chữa lành, xem các video chữa lành đã bị cài cắm mua hàng, mua thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… rồi rước họa vào thân.

Bên cạnh các khóa học chữa lành cho người lớn, còn có các khóa học dành cho trẻ đặc biệt như “chữa lành tự kỷ” - điều mà không có bất kỳ nhà chuyên môn nào dám khẳng định cho đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trái ngược với cơ sở khoa học, bằng chứng nghiên cứu, một số người khẳng định bản thân có thể chữa hết tự kỷ hoàn toàn.

Chị MM ở Đồng Nai cho biết con chị cũng có vấn đề về tâm lý. Tìm hiểu trên mạng về các khóa chữa lành, chị có đến gặp một người tự xưng là tiến sĩ tâm lý trị liệu. Sau khi đóng một khoản tiền lớn và được vị tiến sĩ này thăm khám cho con chị thì nói con chị bị hư não hết rồi. Chị M mất ăn, mất ngủ vì kết luận của vị tiến sĩ này.

Đến khi xem báo chí đăng tải, chị mới biết vị tiến sĩ này vừa bị cơ quan chức năng xử phạt vì dùng bằng cấp giả. Sau đó chị đưa con đến bệnh viện khám thì bác sĩ thông báo con chị chỉ chậm phát triển trí tuệ.

Cho đến nay chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân hay đơn vị, hiệp hội tâm lý, tâm thần nào khẳng định “trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể trở lại bình thường”. Chưa kể, xét về mặt thuật ngữ, tự kỷ không phải bệnh nên dùng từ “chữa” không hoàn toàn khoa học và hợp lý.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, tác giả sách Đánh thức ban mai viết về trẻ tự kỷ, về trải nghiệm của một người mẹ có con đặc biệt từng bức xúc trước các lời quảng cáo “vô tâm” về chữa lành như sau: “Không một chuyên gia nào trong lĩnh vực này hay trung tâm can thiệp nào liên quan đến hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ có khả năng “điều trị” khỏi cho con. Mọi lời quảng cáo “chữa lành” là lừa đảo, thậm chí là tội ác!”.

Sợ hai từ “chữa lành”

Chữa lành (healing) là thuật ngữ được dùng để thể hiện sự chủ động trong việc hàn gắn, phục hồi cho cả cảm xúc, tâm hồn cũng như thể chất của con người sau các thương tổn.

Theo đó, chữa lành không phải là trốn tránh mà là đối diện, tìm cách xoa dịu cảm xúc mất mát, tiêu cực, đau thương để đi qua khó khăn, căng thẳng và trở lại với công việc, cuộc sống một cách mạnh mẽ, vững chãi và tích cực hơn.

Mấu chốt quan trọng của chữa lành chính là sự chủ động, là nội lực, là sức mạnh tự thân chứ không phải dựa dẫm vào các trợ lực bên ngoài hoàn toàn, không ai thay thế tốt nhất vai trò của bản thân trong việc “chữa lành”.

Nhưng một số người lại thiếu cập nhật kiến thức hoặc cố tình diễn giải theo hướng khác, dẫn đến suy nghĩ, hành động sai lệch hoặc nhằm phục vụ cho mục đích trục lợi, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe, tâm lý người khác.

Chữa lành, chữa trị hay chữa bệnh thực chất là những cụm từ mang hàm nghĩa chủ động, tích cực, hướng tới sự phục hồi, mạnh khỏe ở mỗi người. Nhưng gần đây, trước sự biến tướng của các dịch vụ sức khỏe tâm lý, tâm thần, thể chất, bằng nhiều động cơ, phương pháp khác nhau đã khiến từ chữa lành trở thành nỗi lo lắng cho người khác.

Chị Đồng Lê Quỳnh Hương - người sáng lập Nhà của thời thơ ấu tại TP.HCM chia sẻ: “Tôi thấy sợ việc ai cũng xưng mình là nhà khai vấn, chữa lành. Bản thân tôi đã 10 năm đi qua trầm cảm của bản thân, luôn nỗ lực và có khi đối diện với những quằn quại trong nội tâm mà mình còn dứt chưa được, nói gì tự nhiên có ai xuất hiện hô biến như bà tiên, một cái là hết khổ đau, được chữa lành”.

Gặp các vấn đề tâm lý, người dân cần đến các cơ sở uy tín

Tránh “tiền mất tật mang” hay rơi vào tình trạng tâm lý hoặc bệnh lý của bản thân và gia đình ngày một nặng nề hơn, chúng ta cần tỉnh táo.

Khi gặp các vấn đề tâm lý, người dân cần đến các cơ sở uy tín như bệnh viện, cơ sở được cấp phép, có đội ngũ chuyên môn rõ ràng để được hỗ trợ. Điều này cũng giúp bản thân không bị lừa bởi những nội dung quảng cáo vô tội vạ của các hội nhóm chữa lành trên mạng.

Ngoài ra, cũng cần thừa nhận rằng việc “mình có vẻ khá hơn” sau một khóa học nào đó, chưa chắc bản thân đã đi đúng đường. “Ngựa hay phải chạy đường dài” nên phải có thời gian để kiểm chứng, kiểm duyệt dưới nhiều phương thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có chuyên môn.

Khi có nhu cầu tham gia các khóa chữa lành, người dân cần phải xác minh chất lượng khóa học, uy tín người dạy bằng nhiều cách như sau:

- Tìm kiếm trên mạng về thông tin của người đứng lớp và đơn vị tổ chức.

- Đề nghị công khai bằng cấp, chứng chỉ, lý lịch khoa học.

- Xác nhận/kiểm tra độ uy tín đa chiều, thông qua người quen, các nhà chuyên môn uy tín.

- Thay đổi nơi thăm khám, hỗ trợ hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ khi thấy không phù hợp.

- Tố cáo hành vi xấu, đơn vị, tổ chức mập mờ, lừa đảo về chữa lành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới