Ngày 5-7, HĐND TP Cần Thơ khóa IX khai mạc kỳ họp thứ 5. Dự kiến kỳ họp sẽ kéo dài trong ba ngày (từ ngày 5 đến 7-7). Các đại biểu sẽ phải thông qua 22 báo cáo, trong đó có 13 báo cáo của UBND TP về các vấn đề kinh tế, xã hội… Đồng thời, HĐND TP cũng dự kiến chất vấn hai sở là Sở VH-TT&DL và Sở Nội vụ.
7
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri tại kỳ họp ngày 5-7. Ảnh: NN
Báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri từ sau kỳ họp thứ 4 đến trước kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết TP tiếp nhận 85 ý kiến, kiến nghị. Đến nay các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện đã giải quyết 50 ý kiến, kiến nghị; còn 35 ý kiến, kiến nghị cần có thời gian và lộ trình giải quyết…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt (quận Bình Thủy) với diện tích khoảng 525 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10.836 tỉ đồng (tương đương khoảng 500 triệu USD). Hiện nay TP Cần Thơ đang xúc tiến, giới thiệu dự án đến các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2015 đến 2017 (43,37 ha) với tổng mức đầu tư 402,148 tỉ đồng, đến hết năm 2016 dự án đã giải ngân 355 tỉ đồng, đạt 88,3% khối lượng thực hiện. Giai đoạn 2 (14,6 ha) đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 230 tỉ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2020, TP sẽ tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư dự án này.
Dự án nâng cấp, cải tạo hồ Bún Xáng có tổng kinh phí khoảng 144,3 tỉ đồng, trong đó đã chi trả bồi thường cho hộ dân khoảng 125,3 tỉ đồng, số tiền còn lại khoảng 19 tỉ đồng đang tiếp tục chi trả… UBND TP yêu cầu UBND quận Ninh Kiều tập trung thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo bàn giao mặt bằng để thi công công trình hoàn thành vào cuối năm 2017.
Đối với kiến nghị xem xét xóa quy hoạch tuyến quốc lộ 91B từ năm 1982 của UBND tỉnh Hậu Giang (cũ). Ông Dũng cho biết tuyến quốc lộ 91B cũ đoạn từ sông Bình Thủy đến quốc lộ 91 (qua địa bàn hai quận Bình Thủy và Ô Môn) quy hoạch từ năm 1982. Hiện nay, theo quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì tại vị trí tuyến đường này có định hướng tuyến đường giao thông đô thị với quy mô mặt cắt ngang 28-35 m. Việc xác định cụ thể tuyến đường này sẽ được phân tích, đánh giá trong giai đoạn lập quy hoạch phân khu đô thị tỉ lệ 1/5.000 toàn bộ địa giới quận Bình Thủy và Ô Môn, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Đất của gia đình ông Cao Văn Dang, một trong 64 hộ chưa nhận tiền bồi thường trong dự án Trung tâm Hành chính quận Bình Thủy, không còn sản xuất được vì dự án đã bơm cát san lấp phía ngoài nên bít mất đường nước tưới. Ảnh chụp cuối năm 2015. Ảnh: NN
Về kiến nghị bồi thường cho 64 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu hành chính quận Bình Thủy, ông Dũng cho biết dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ tái định cư khoảng 50 tỉ đồng.
Theo ông Dũng, do kế hoạch vốn đầu năm 2017 được trung ương giao khá hạn hẹp nên đầu năm 2017 TP đã bố trí 36 tỉ đồng. Dự kiến UBND quận Bình Thủy sẽ phê duyệt kinh phí bồi thường đối với 64 hộ dân trong quý III-2017 số tiền trên. 14 tỉ đồng còn lại, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND TP bố trí đủ vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án sau khi UBND quận Bình Thủy thực hiện chi trả phần vốn 36 tỉ đồng nêu trên.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ ngày 4-12-2015, Pháp Luật TP.HCM đã có bài phản ánh:"Bị ách tiền bồi thường 5 năm vì... chính quyền hết tiền!". Theo đó, tại phiên chất vấn ở kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sang đặt vấn đề: “Khu hành chính quận Bình Thủy 21 ha, có 198 hộ bị ảnh hưởng. Năm 2010 dự án đang thực hiện thì dừng lại vì… hết tiền! Tức là mới có 134 hộ nhận tiền bồi thường, còn 64 hộ chưa được nhận tiền bồi thường nhưng đất đai của họ không sản xuất được vì việc san lấp phần diện tích đã bồi thường gây ngập úng cho các hộ này".