Cảnh giác 'bẫy' lừa tuyển dụng việc làm

(PLO)- Các đối tượng giả mạo một số thương hiệu thời trang nổi tiếng để tuyển dụng việc làm nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM chị NTĐ, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM cho biết vào tháng 11-2022 vừa qua chị Đ đã bị lừa mất gần 200 triệu đồng vì công việc thông dịch viên mà chị tìm được trên mạng xã hội. Khi mất số tiền này chị Đ không còn hy vọng bản thân sẽ tìm lại được nhưng chị Đ muốn cảnh báo mọi người vì đây có thể là một trong những chiêu thức lừa đảo tinh vi mới.

Giả mạo!

Chị Đ cho biết bản thân là một giáo viên dạy tiếng anh ở một trung tâm tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Vì thời gian làm việc tương đối ít nên chị đã lên mạng xã hội tìm việc làm thêm. Lúc này, chị được một đối tượng có tài khoản tên Nguyễn Ánh Linh tiếp cận và mô tả việc làm. Để bắt đầu làm việc, chị Đ phải đóng 150.000 đồng để mở tài khoản trên app, thông qua app chị nhận được nhiệm vụ làm việc, sau khi làm xong thì được trả thù lao.

Không suy nghĩ nhiều, chị Đ đồng ý mở tài khoản, sau khi mở chị được giao cho nhiệm vụ đầu tiên. Tuy nhiên, để làm việc này chị Đ phải đóng tiếp 300.000 đồng. Sau đó, chị Đ đã chuyển khoản 300.000 đồng để nhận nhiệm vụ, đồng thời tài khoản Nguyễn Ánh Linh cũng đưa chị Đ vào một nhóm chat trên mạng xã hội, trong đó có quản lý và một số thành viên khác.

Chị NTĐ bị lừa gần 200 triệu đồng vì tìm việc trên mạng xã hội. Ảnh: HUỲNH THƠ

Chị NTĐ bị lừa gần 200 triệu đồng vì tìm việc trên mạng xã hội. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Trong đoạn chat tôi xem được là những nội dung chuyển khoản, những thông tin “mật ngọt”,... trông rất uy tín nên khiến tôi hoàn toàn tin tưởng”, chị Đ nói.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên chị Đ được nhận lại số tiền 450.000 đồng. Liên tục thực hiện các nhiệm vụ khác, số tiền mỗi ngày một tăng và chị vẫn nhận được tiền thù lao. Do vậy, chị Đ rất vui với công việc mình đang làm.

“Ai ngờ sau đó họ dùng thủ đoạn và những lời dụ dỗ ngon ngọt khiến tôi chuyển toàn bộ số tiền mình có được hơn 100 triệu đồng để làm nhiệm vụ tiếp theo, lúc này tôi đăng nhập vào tài khoản thì không được. Tôi mới nhắn cho họ và họ thông báo app bị lỗi, vì thế tôi không hoàn thành nhiệm vụ nên cũng không được trả thù lao, nếu muốn lấy lại số tiền hơn 100 triệu đồng tôi vừa chuyển thì phải nạp thêm 50 triệu đồng để làm lại nhiệm vụ đó. Vì chỉ muốn được lấy lại tiền nên tôi đã làm theo và app tiếp tục bị lỗi. Lúc này, tôi mới tỉnh ngộ và biết bản thân đã bị lừa, tôi nói sẽ báo công an nhưng họ không sợ mà còn thách thức. Sau đó vài ngày, tôi bị họ chặn hết mọi thông tin liên lạc”, chị Đ kể.

Cảnh giác những dấu hiệu lừa đảo

Trao đổi với PLO, luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay phương thức và thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi và mới mẻ. Đặc biệt là các trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội, vì thế người dân khi tiếp xúc, sử dụng mạng xã hội cần phải cảnh giác cao.

Người dân lưu ý những dấu hiệu nhận diện lừa đảo qua tin tuyển dụng: Có mức thu nhập hấp dẫn và yêu cầu thu phí bất thường như tiền đặt cọc để đảm bảo trách nhiệm làm việc; Thông tin người tuyển dụng mập mờ, không công khai thông tin công ty, không có trụ sở công ty; Thường hối thúc chuyển tiền, khi nhận được tiền thì hứa hẹn và đưa ra nhiều lí do khác nhau để không thanh toán, sau đó chặn liên hệ,...

Do đó, khi tìm việc trên mạng cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty, công việc, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn. Nên trực tiếp đến nơi công ty tuyển dụng, không giao dịch hay phỏng vấn với người tuyển dụng lạ mặt bên ngoài trụ sở công ty.

Luật sư cũng cho biết thêm, pháp luật lao động hiện nay cấm người sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Nên khi phía người tuyển dụng yêu cầu đưa tiền hoặc tài sản đảm bảo thì người dân cần phải cảnh giác ngay.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân như: Ngày, tháng, năm sinh, số CMND hoặc CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… cho người lạ hoặc đăng tải thông tin đó lên các trang mạng xã hội nhằm tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo.

Khi phát hiện về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể tố giác hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền.

Mức phạt với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền

Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, tại điểm c, khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) người có hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm tù.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…