Cảnh giác chiêu trò lừa đảo thi bằng lái ô tô

(PLO)- Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo thi bằng lái ô tô, học viên nên tham khảo các cơ sở đào tạo uy tín, đồng thời đến cơ sở đăng ký trực tiếp, không thông qua cò mồi.

Lợi dụng nhu cầu học lái xe ô tô của người dân tăng cao, thời gian qua các đối tượng lừa đảo đã thực hiện nhiều chiêu trò chiếm đoạt học phí dạy, đào tạo lái xe ô tô khiến học viên dính “bẫy”, tiền mất tật mang

Đủ chiêu trò

Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải bài viết “Vào bãi tập lái ô tô ở quận Bình Tân lừa học viên lấy tiền” đưa tin về việc anh NLQ (29 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu; là công nhân trên địa bàn quận Bình Tân) bị lừa 12 triệu khi đóng tiền học lái xe ô tô.

Theo thông tin, vì có nhu cầu lái xe nên anh Q tìm đến Bãi tập lái xe ở địa chỉ E4/52 Quốc lộ 1 (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân). Tại phòng đăng ký tuyển sinh học lái ô tô, anh Q gặp một người đàn ông tên Trần Đại Nhân. Người này yêu cầu anh Q cung cấp thẻ CCCD, đồng thời cho biết chi phí học bằng B2 là 22 triệu đồng, yêu cầu cọc trước một nửa để làm hồ sơ, khi nào thi thì đóng hết.

Sau khi anh Q chuyển 12 triệu đồng, ông Nhân có chụp hình chân dung của anh Q, làm một tờ phiếu thu rồi kêu anh Q đi về, khi nào muốn tập lái thì lên tập.

Tuy nhiên, sau đó ông Nhân liên tục tìm cách né tránh và chặn liên lạc với anh Q. Sau khi phản ánh đến lực lượng chức năng, hiện Công an quận Bình Tân đã khởi tố vụ án và Trần Đại Nhân tiến hành xử lý theo quy định.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng thường lợi dụng tâm lý học viên muốn có bằng lái ô tô nhưng không có thời gian học để bày chiêu trò “rút ngắn thời gian học”, “bao đậu” khi học lý thuyết để chiếm đoạt tài sản của học viên.

Cụ thể, chỉ cần gõ cụm từ “bao đậu bằng lái ô tô” trên Facebook, hàng loạt các Trung tâm thi bằng lái xe hiện lên với nhiều lời mời chào hấp dẫn, thậm chí chạy cả quảng cáo, tạo tương tác giả và sẵn sàng dạy học viên miễn phí một vài buổi để lấy lòng tin từ “con mồi”.

Học viên nên đến đăng ký trực tiếp tại trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe ô tô uy tín, không thông qua "cò mồi". Ảnh: TRƯỜNG GIANG.

Lựa chọn cơ sở uy tín

Anh Phan Hoàng Nam, giáo viên dạy lái xe ô tô tại Trường Trung cấp Nghề Nghiệp vụ Bình Dương cho biết để tránh trường hợp bị mất tiền, học viên cần chuẩn bị tâm lý tự học tự thi, không tin vào những lời dụ dỗ “bao lý thuyết”, “bao thực hành”,... Đồng thời tìm hiểu, tham khảo các trung tâm, trường đào tạo lái xe uy tín qua Internet hoặc những người đã đi học trước đây.

“Khi lựa chọn được cơ sở đào tạo phù hợp, học viên nên đến trực tiếp tại trường để đăng ký, hỏi rõ học phí, quyền lợi, thời gian học và thi. Nếu đóng tiền thì yêu cầu biên lai, biên nhận rõ ràng. Chú ý không thông qua bất kỳ trung gian nào” – anh Nam thông tin.

Để tránh bị mất tiền oan, ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo lái xe Tiến Bộ cũng đưa ra lời khuyên, nếu người dân có nhu cầu học lái xe thì đến trực tiếp tại trường dạy lái để đăng ký, không đăng ký thông qua “cò” trung gian.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM cho biết theo quy định, khi nộp hồ sơ, học viên phải ký kết hợp đồng đào tạo với trung tâm, cơ sở đào tạo. Trong đó, hợp đồng sẽ nêu rõ về địa điểm học, thời gian đào tạo, quá trình học lý thuyết, sa hình, trên đường, dự kiến thời gian thi… Khi học viên hoàn thành khóa đào tạo, phải thanh lý hợp đồng theo đúng quy định. Đặc biệt, hình ảnh trong hồ sơ học viên sẽ được chụp tại địa điểm ghi danh, tránh trường hợp gian lận.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe tại TP.HCM đều được Sở GTVT công khai thông tin chi tiết trên website của Sở. Mỗi trung tâm sẽ có tất cả thông tin về địa chỉ trụ sở chính, văn phòng (nếu có), số điện thoại liên hệ, và các hạng GPLX được cấp phép đào tạo.

‘Tại địa điểm ghi danh, các học viên cần có những đánh giá về cơ sở vật chất, hạ tầng có đáng tin cậy hay không. Đặc biệt, tên các trung tâm, cơ sở đào tạo tuyệt đối không có chữ “tư vấn”, vì nguyên tắc hoạt động của các trung tâm, cơ sở này là đào tạo và sát hạch GPLX” – ông Quang nhấn mạnh.

Đồng thời ông Quang cũng cho biết thêm khi các loại mạng xã hội ngày càng phát triển cũng là cơ hội cho nhiều hình thức lừa đảo xuất hiện. Do đó, người dân không nên tin tưởng chuyển tiền cho “thầy giáo” tự xưng để tránh tiền mất tật mang. Hay các hình thức được giới thiệu là “bao đậu” cũng tuyệt đối không có.

Vì theo quy định của pháp luật khi thực hiện các nội dung sát hạch để được cấp GPLX, học viên sẽ trải qua các bài thi, như thi lý thuyết trên máy tính không có kết nối Internet hay mạng lan ra bên ngoài.

Lừa đảo chiếm đoạt học phí lái xe ô tô có thể bị truy cứu hình sự

Đối tượng có hành vi mạo danh Trung tâm dạy lái xe hoặc sử dụng thủ đoạn gian dối khác tạo sự tin tưởng của người dân, để chiếm đoạt tiền học phí đóng trước có thể bị truy cứu hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Về xử phạt, khung hình phạt thấp nhất đối tượng lừa đảo này phải đối diện là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Mức khung hình phạt cao nhất quy định tại điều luật là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân, áp dụng trong trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, Cơ quan Điều tra cũng điều tra làm rõ sự liên quan của các Trung tâm, tổ chức, cá nhân khác để xem xét có đồng phạm hay không, hoặc kiến nghị xử lý vi phạm nhằm đảm bảo phòng ngừa tình trạng tội phạm tiếp tục xảy ra.

Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới