Phát huy bài học 'dân là gốc' trong tình hình mới

(PLO)- Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới nhìn nhận công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới, tuy nhiên dù ở thời đại nào thì sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-10, tại TP.HCM, Ban Dân vận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Quan điểm, giải pháp thực hiện bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết dân tộc trong tình hình mới”.

Sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Đỗ Văn Phới cho biết trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Có được những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, kiên trì tư tưởng “trọng dân” và vận dụng sáng tạo bài học “dân là gốc”, “nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong huy động sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

anhchinh trang 5.jpg
Toàn cảnh hội thảo diễn ra tại TP.HCM ngày 9-10. Ảnh: THANH THÙY

Từ quan điểm “dân là gốc” trong lịch sử, các kỳ đại hội của Đảng tiếp tục tập trung nhấn mạnh sức mạnh to lớn, nguồn lực vô tận của nhân dân; nhân dân là nền tảng, chỗ dựa vững chắc của hệ thống chính trị, là lực lượng rộng lớn trong mọi phong trào cách mạng.

Tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta xác định vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân. Quan điểm này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt và bao trùm trong văn kiện, trên tất cả nội dung, lĩnh vực.

Và để hiện thực hóa quan điểm này, Đại hội XIII của Đảng đã xác định những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có tính tổng thể, bao trùm và liên quan trực tiếp đến lợi ích “thụ hưởng” của mọi người dân. Đồng thời nhấn mạnh thêm về trách nhiệm làm chủ của nhân dân, nêu rõ vị trí trung tâm, vai trò chủ thể của nhân dân, gắn liền với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

“Sự lãnh đạo của Đảng phải hướng vào vị trí trung tâm là nhân dân, khơi thông những nguồn lực và sự sáng tạo của nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực của nhân dân” - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh.

Ông Đỗ Văn Phới cũng nhìn nhận công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới. Việc tiếp tục đổi mới, vận dụng có hiệu quả bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là vấn đề phức tạp, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phát huy bài học 'dân là gốc' trong tình hình mới
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao đổi tại hội thảo. Ảnh: THANH THÙY

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm các kỳ đại hội Đảng; Thành ủy TP.HCM nhất quán gắn triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh nhân dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong tình hình mới.

Một trong các giải pháp nổi bật là TP tăng cường phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua các kỳ họp, tiếp xúc, đối thoại, giám sát, khảo sát chất vấn, giải trình theo hướng thẳng thắn, cởi mở, xây dựng.

Qua đó, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, hợp pháp, chính đáng của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân.

h2-hoi-thao-dan-van-TPHCM .jpg
Các đại biểu góp ý tại hội thảo. Ảnh: THANH THÙY

Hội thảo diễn ra vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2024) và 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có những nội dung hết sức quan trọng về công tác dân vận trong tình hình mới.

Vận dụng bài học “dân làm gốc

PGS-TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng cần tăng cường vai trò của trí thức trong việc tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước để đạt hiệu quả hơn trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong tình hình mới, không thể tách trí thức ra khỏi tầng lớp chung mà phải phát huy hết tiềm năng sáng tạo của họ” - PGS-TS Phạm Quang Thao nêu ý kiến.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ khi địa phương thực hiện chính quyền đô thị, Ban Thường vụ Thành ủy đã có quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp và trả lời cụ thể bằng văn bản.

Mới đây, Thành ủy cũng ban hành thông tri về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp của TP tăng cường phát huy dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua việc tổ chức các kỳ họp để xây dựng, thông qua những chủ trương, chính sách; tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát, các hoạt động giải trình, chất vấn, các diễn đàn đối thoại giữa chính quyền với người dân, với các giới, các buổi tiếp xúc cử tri... với không khí tiếp xúc theo hướng đối thoại, thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, góp phần giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương.

TP.HCM cũng vận dụng bài học “dân làm gốc”, “dân là trung tâm” và vấn đề phát huy vai trò nhân dân trong tham gia xây dựng chính sách, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn; việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương.

hoang-phuc-lam-hoi-thao-dan-van-TPHCM .jpg
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kết luận hội thảo. Ảnh: THANH THÙY

Đại tá Nguyễn Thế Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an, cho rằng cần quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, nhân dân là trung tâm, là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài của Đảng và Nhà nước, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò chuyên trách, nòng cốt.

Ngoài ra, cần xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của hệ thống chính trị và của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Kết luận hội thảo, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết những quan điểm, giải pháp, kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và vận dụng hiệu quả bài học “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phát huy sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới là nội dung quan trọng giúp Ban chủ nhiệm có luận cứ, luận chứng khoa học sát thực tiễn đóng góp nội dung này vào việc xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, tổng kết 40 năm đổi mới đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm