Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ đi nước ngoài do doanh nghiệp tổ chức, đài thọ

(PLO)- Thành ủy TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải vừa ký ban hành quy định về quản lý và xét duyệt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là cán bộ) đi nước ngoài.

Quy định này xác định các nội dung liên quan đến việc quản lý, xét duyệt, cử, cho phép đi nước ngoài đối với cán bộ thuộc hệ thống chính trị TP.

Nghiêm cấm việc khai không trung thực mục đích đi nước ngoài

Theo đó, Thành ủy TP.HCM yêu cầu phải bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, quản lý tập trung của Nhà nước đối với công tác xét duyệt cán bộ thuộc hệ thống chính trị TP đi nước ngoài.

Thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền gắn với xác định trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xét duyệt nhân sự đi nước ngoài; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác này…

Quy định cũng nêu rõ chưa cử, chưa cho phép đi nước ngoài đối với cán bộ thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh theo quy định pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Các cơ quan, đơn vị đang thanh tra, kiểm tra mà trong đó cán bộ có trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến nội dung thanh tra, kiểm tra tại cơ quan, đơn vị công tác; đang trong thời gian xem xét kỷ luật; đang bị đình chỉ, tạm đình chỉ công tác cũng không được phép đi nước ngoài.

Chưa cử, chưa cho phép đi nước ngoài với cán bộ thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế…

Thành ủy TP.HCM cũng nghiêm cấm việc tự ý đi nước ngoài mà không xin phép cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; tự ý đi nước ngoài trước khi được sự chấp thuận của cơ quan chủ quản, cấp có thẩm quyền; không trung thực trong việc kê khai mục đích đi nước ngoài; sử dụng ngân sách Nhà nước để đi nước ngoài về việc riêng…

Quy định của Thành ủy TP.HCM cũng đề ra nguyên tắc xét duyệt đi nước ngoài. Trong đó, việc chọn, cử, cho phép cán bộ đi nước ngoài phải xuất phát từ yêu cầu thật cần thiết, tránh trùng lắp, triệt để tiết kiệm, bảo đảm an ninh, bí mật quốc gia, bí mật cơ quan đã và đang công tác.

Việc đi nước ngoài không ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị và cán bộ…

Đáng chú ý, cán bộ được cấp có thẩm quyền xét duyệt cho phép đi nước ngoài về việc công không quá hai lần/năm. Trường hợp đặc biệt cán bộ phải đi nước ngoài về việc công hơn hai lần/năm thì phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm...

Thành ủy cũng lưu ý, không bố trí hai lãnh đạo chủ chốt của một cơ quan, đơn vị, địa phương cùng tham gia một đoàn công tác nước ngoài, trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép. Cán bộ nghỉ phép đi nước ngoài về việc riêng theo đúng quy định về lao động.

Thành ủy cũng quy định về thẩm quyền xét duyệt, phân công, phân cấp, ủy quyền quyết định cử, cho phép cán bộ đi nước ngoài (bao gồm việc công và việc riêng)...

Nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ

Đáng chú ý, việc đi nước ngoài theo thư mời đích danh hoặc tài trợ của doanh nghiệp, Thành ủy TP.HCM chia làm hai trường hợp.

Trường hợp đi nước ngoài có thư mời đích danh từ phía nước ngoài mà xét thấy thông tin của phía mời chưa rõ ràng, có yếu tố chính trị nhạy cảm thì cơ quan cử cán bộ đi nước ngoài có trách nhiệm phối hợp Công an TP.HCM xác minh, cho ý kiến về mặt an ninh, bổ sung hồ sơ đề nghị xét duyệt đi nước ngoài.

Thành ủy TP.HCM nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích danh, kể cả doanh nghiệp có tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp mình quản lý.

"Trường hợp cần thiết cán bộ phải có mặt trong chuyến đi do thực hiện theo hợp đồng, dự án đã được ký kết với đối tác thì ngoài các thông tin cơ bản, phải cung cấp đầy đủ, minh bạch về nguồn kinh phí của chuyến đi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định" - Quy định nêu rõ.

Thành ủy TP.HCM cũng quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền xét duyệt, quyết định cử, cho phép cán bộ đi nước ngoài. Trong đó, các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị rà soát, thẩm định để bảo đảm việc xét duyệt cử, cho phép đi nước ngoài trong thẩm quyền được phân cấp, ủy quyền.

Tổ chức, cá nhân được phân cấp, ủy quyền quyết định chọn cử tập thể, cá nhân đi nước ngoài phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi đi công tác nước ngoài có sử dụng ngân sách Nhà nước; phải chịu trách nhiệm về tính thiết thực, hiệu quả của chuyến đi, có trách nhiệm bồi hoàn để thu hồi nộp vào ngân sách đối với các trường hợp chỉ trái quy định pháp luật.

Cán bộ được cử, cho phép đi nước ngoài cũng phải tuân thủ các quy định được nêu rõ. Sau khi về nước, trong thời gian bảy ngày làm việc phải báo cáo cho trưởng đoàn.

Ngoài ra, Thành ủy TP.HCM nêu rõ quy trình xét duyệt đi nước ngoài, việc quản lý, sử dụng hộ chiếu, gia hạn thời gian ở nước ngoài về việc công, việc riêng…

Quy định này có hiệu lực chính thức từ ngày 16-9.

Gửi hồ sơ xét duyệt trước 20 ngày làm việc

Theo quy định của Thành ủy TP.HCM, công văn của cơ quan, đơn vị đề nghị cho phép đi nước ngoài phải ghi ý kiến cụ thể của đơn vị, nước đến, địa phương nơi đến của nước sở tại, thời gian, mục đích chuyến đi, số lần đi nước ngoài cụ thể trong hai năm gần nhất…

Nếu đi vì việc riêng thì phải ghi rõ số ngày nghỉ phép trong năm theo quy định, nếu vượt quá số ngày thì trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…

Cơ quan, đơn vị cử, cho phép cán bộ đi nước ngoài có trách nhiệm nộp đầy đủ hồ sơ về Ban Tổ chức Thành ủy hoặc cơ quan, đơn vị được phân công, phân cấp, ủy quyền xét duyệt trước 20 ngày làm việc.

Trường hợp đi nước ngoài về việc riêng hoặc đi nước ngoài về việc công có thư mời đích danh gửi trước 25 ngày làm việc nhưng không sớm hơn 45 ngày làm việc kể từ ngày đi nước ngoài.

Các cơ quan liên quan phải xem xét, có văn bản trả lời kết quả xét duyệt, cho phép đi nước ngoài không quá 20 ngày làm việc (không quá 25 ngày làm việc đối với trường hợp đi nước ngoài về việc riêng hoặc đi nước ngoài về việc công có thư mời đích danh) kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.

Đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (trừ trường hợp đã phân cấp, ủy quyền) đi khám, chữa bệnh tại nước ngoài thì thực hiện theo quy định hiện hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm