Về nguyên tắc là phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành nhưng nếu có nhiều nội dung mà luật chuyên ngành không quy định thì phải căn cứ theo luật chung để thực hiện. Đáng tiếc là Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đã không đảm bảo được điều này.
Khoản 15 Điều 15 Luật CAND quy định: Công an có quyền “huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”. Theo từ điển tiếng Việt và cách hiểu thông dụng thì hai cụm từ “trưng dụng, huy động” đều có chung nghĩa là tạm sử dụng người và vật cho một công việc nhưng trưng dụng là bắt buộc, còn huy động thì không (như việc huy động vốn của ngân hàng đòi hỏi có sự tham gia tự nguyện của người có vốn). Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì chưa có sự phân biệt rõ. Luật TMTDTS quy định việc trưng dụng đối với tài sản, còn huy động là nói về người và cả hai đều có sự bắt buộc thực hiện. Còn Luật CAND chưa có sự phân biệt rõ dù chúng là hai khái niệm khác nhau.
Từ sự mơ hồ như thế của Luật CAND cộng với cách xây dựng văn bản không đúng chuẩn nên có không ít ý kiến cho rằng Thông tư 01/2016 đã có dấu hiệu trái luật, không ổn về mặt pháp lý… CSGT được quyền trưng dụng tài sản (và người) cho mục đích công vụ trong trường hợp nào? Theo lệnh của ai? Quy trình thủ tục cụ thể ra sao? Thời hạn trưng dụng, việc hoàn trả, bồi thường thế nào?... Còn quá nhiều điều chưa được quy định rõ khiến người dân và dư luận băn khoăn, lo lắng.
Có một lưu ý là về mục đích trưng dụng, Luật TMTDTS chỉ quy định “để bảo vệ an ninh quốc gia” nhưng Luật CAND cho phép công an được trưng dụng cả trong trường hợp cấp bách “để bảo vệ trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”. Ngoài ra, Luật CAND không quy định gì thêm về thẩm quyền quyết định trưng dụng, hình thức, thủ tục, thời hạn, việc hoàn trả, bồi thường…
Do Luật CAND không quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn… trưng dụng nên bắt buộc việc trưng dụng của công an phải làm theo Luật TMTDTS. Mà Luật TMTDTS chỉ cho phép bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch tỉnh được quyền quyết định trưng dụng (kèm theo ràng buộc không được phân cấp thẩm quyền quyết định) nên thông tư của bộ không được tự mở rộng quyền trưng dụng cho các CSGT.
Khoản 6 Điều 5 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an không đúng với cả hai luật chung và luật chuyên ngành về quyền trưng dụng nên nội dung này của Thông tư 01/2016 cần phải được bãi bỏ. Và mong là thông tư mới phân biệt được huy động có “nhẹ nhàng” gì hơn so với trưng dụng (chứ không thể chỉ là “giải thích thêm” trên báo chí của một đại diện vụ pháp chế), còn nếu không thì cứ quy định rõ là trưng dụng để tránh gây thắc mắc, lo lắng.