Trưng dụng đến cả... máy bay
Trong một vụ rượt đuổi hai nghi phạm ăn cắp xe tại Stockton (Anh) vào năm 2011, chiếc xe vượt địa hình của một thợ săn địa phương đã được cảnh sát trưng dụng để tham gia truy bắt. Tờ The Northen Echo thuật lại, chủ nhân của chiếc xe được trưng dụng, anh David Jukes, đã chủ động gợi ý các sĩ quan cảnh sát sử dụng xe của mình để truy đuổi tội phạm khi anh này quan sát thấy xe của các nghi phạm có khả năng vượt địa hình tốt hơn những chiếc xe của cảnh sát. Jukes nhường tay lái cho một sĩ quan cảnh sát và ngồi sang ghế bên cạnh tài xế. Sau khi chạy hơn 11 km đường đồi gồ ghề, lao qua nhiều hàng rào gỗ và dây thép của các hộ gia đình, cuối cùng cuộc truy bắt cũng kết thúc thành công. Cả hai nghi phạm bị cảnh sát tóm gọn. Cảnh sát sau đó chi trả cho các khoản hư hại của chiếc xe họ trưng dụng.
Không những xe hơi mà cả máy bay cá nhân cũng nằm trong quyền hạn trưng dụng của lực lượng hành pháp một số nước. Trong một vụ truy lùng nghi phạm có vũ trang ở bang Kansas (Mỹ) vào năm 2005, Mike Spicer, chủ nhân một đường bay địa phương, đã được cảnh sát trưởng gọi điện thoại nhờ sử dụng chiếc máy bay dân dụng Cessna 150 tham gia tìm kiếm nghi phạm. Theo kênh truyền hình CBS, viên cảnh sát trưởng phải nhờ đến máy bay của Spicer là do máy bay của cảnh sát tuần tra cao tốc Kansas không thể đến phối hợp kịp thời. Ông Spicer thậm chí còn bị trúng một viên đạn vào trán do đối tượng bắn trả khi bị máy bay phát hiện. Người phi công sau khi điện thoại báo địa điểm chính xác của nghi phạm cho cơ quan chức năng đã may mắn bay về thành công và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cũng từng có những trường hợp cảnh sát trưng dụng xe của người dân để giải quyết những vụ việc khó tin. Như mới tháng 12-2015 vừa qua, theo tờ Torquay Herald Express, cảnh sát địa phương tại Kingsbridge (Anh) đã trưng dụng một xe giao sữa của người dân để… chở một chú bê đến trạm thú y. Cảnh sát địa phương cho biết con vật này bị bỏ rơi giữa quốc lộ. Người chủ của chiếc xe giao sữa sau đó đã đến trạm thú y địa phương nhận lại xe và không có khiếu nại gì. Có thể thấy việc cảnh sát trưng dụng tài sản, cụ thể là phương tiện giao thông, của người dân để thực hiện nhiệm vụ cũng không có quá lạ lẫm ở nhiều nước.
Mike Spicer, một phi công được yêu cầu hỗ trợ cảnh sát truy lùng nghi phạm, bị đối tượng bắn vào trán khi đang điều khiển máy bay. Ảnh: AP
Hình ảnh cảnh sát rút súng và trưng dụng phương tiện cá nhân là một môtíp kinh điển trên phim ảnh. Ảnh minh họa: INTERNET
Nghĩa vụ của cảnh sát khi trưng dụng
Theo tờ Slate, luật pháp của Mỹ cũng chỉ ra rằng yêu cầu hỗ trợ mà cảnh sát đưa ra phải mang tính hợp lý và nếu không có sự hỗ trợ đó thì nhiệm vụ sẽ không hoàn thành được. Như trong vụ cướp Ngân hàng North Hollywood năm 1997 ở Los Angeles, cảnh sát đã buộc phải trưng dụng một xe bọc thép dân sự để đối phó với hai đối tượng vũ trang hạng nặng và có áo chống đạn. Tòa án Tối cao Mỹ trong án lệ năm 1973 từng kết luận rằng “chỉ khi rơi vào các trường hợp không thể lường trước được, đặc biệt cấp bách” như chiến tranh, thiên tai hay đe dọa đến xã hội thì tài sản cá nhân mới có thể bị trưng dụng hay bị phá hủy vì lợi ích cộng đồng mà không có sự đồng ý của chủ nhân tài sản. Tòa án Tối cao Mỹ cũng buộc bên trưng dụng phải chứng minh được tính cấp thiết vụ việc và việc yêu cầu trưng dụng là cách duy nhất giúp thực hiện nhiệm vụ. Những trường hợp trưng dụng phương tiện giao thông tương tự cũng được ghi nhận từng xảy ra tại nhiều nước khác như Canada, Anh hay Úc.
Về vấn đề bồi thường thiệt hại, hệ thống pháp luật của Mỹ cũng chưa thể quy định rõ ràng và cụ thể cách thức đền bù thiệt hại cho chủ nhân các tài sản được trưng dụng. Án lệ năm 1973 chỉ ra rằng việc trưng dụng “tạo nên một sự ràng buộc chính quyền phải bồi thường cho chủ nhân của tài sản toàn bộ giá trị của việc hỗ trợ”, chứ không phải toàn bộ giá trị của tài sản được trưng dụng. Tòa án Tối cao Mỹ cũng cho rằng những quyền lợi cá nhân trong thời điểm cần cấp bách phải “nhường đường” cho lợi ích của xã hội. Việc chính quyền đền bù cho sự hy sinh của người dân sẽ chịu ảnh hưởng từ những cam kết nếu có trước đó. Đã có nhiều trường hợp các tòa án tối cao cấp bang của Mỹ từ chối đền bù cho những phương tiện đi lại bị hư hại sau khi được trưng dụng. Người dân đa phần được đền bù không phải do cơ quan chính quyền mà do các khoản bảo hiểm mà họ đã mua trước đó.
Tuy nhiên, một số điều luật áp dụng riêng ở từng bang của Mỹ cũng có quy định đền bù cho những tài sản bị trưng dụng để thực thi pháp luật, như tại New Jersey hay Texas. Ở bang Bắc Carolina, chính quyền cũng đồng ý đền bù cho những tài sản bị thiệt hại sau khi được trưng dụng dưới sự yêu cầu của người nắm quyền cao nhất là thống đốc bang và không có sự tình nguyện của chủ nhân tài sản. Theo đó, mức đền bù sẽ được thỏa thuận trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm trưng dụng.
Luật pháp trưng dụng còn nhiều rủi ro
Trước các áp lực và vấn đề pháp lý phát sinh, lực lượng chấp pháp tại nhiều nước cũng ít khi trưng dụng phương tiện của dân để thực thi nhiệm vụ. Trả lời tờ Los Angeles Times, Steve Kodak, một đặc vụ FBI tại thủ đô Washington, D.C., khẳng định rằng trong suốt 16 năm làm việc ông chưa bao giờ nghe một lực lượng hành pháp nào phải trưng dụng phương tiện giao thông của dân. “Những rủi ro về pháp lý là quá lớn” - ông cho biết.
Trong những trường hợp trưng dụng thường xảy ra tại Mỹ, thường các sĩ quan sẽ yêu cầu người dân hỗ trợ trên cơ sở tự nguyện hoặc vẫn sẽ để chủ sở hữu nắm quyền kiểm soát phương tiện của mình. Như trong trường hợp một cảnh sát tuần tra tại New York chia sẻ nếu cần đến hỗ trợ đồng nghiệp của mình, ông sẽ sẵn sàng xin đi nhờ xe chứ không trưng dụng xe của người khác. Jackie Bezart, một sĩ quan tại Sở Cảnh sát Long Beach, cho rằng việc trưng dụng phương tiện cá nhân cũng không đảm bảo được nhiệm vụ có hoàn thành hay không. “Có quá nhiều rủi ro có thể xảy ra. Liệu anh có chắc được chiếc xe đó có đủ xăng để truy đuổi hay không?” - ông chia sẻ.
Không cho trưng dụng sẽ bị phạt Theo tạp chí Slate (Mỹ), ở nhiều bang và thành phố của Mỹ, người dân có khả năng phải đối mặt với các cáo buộc dân sự, bị phạt tiền hoặc xử tù nếu như không hợp tác hỗ trợ các yêu cầu của lực lượng hành pháp. Mục 566 của Bộ luật Mỹ (U.S.C) quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của cảnh sát cũng ghi rằng lực lượng cảnh sát liên bang (USMS) được quyền yêu cầu mọi sự hỗ trợ cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ. Điều này cũng bao gồm cả trưng dụng phương tiện đi lại hay các tài sản khác của người dân. Trong một vụ án ghi nhận mãi từ năm 1890, tòa án bang Alabama cũng từng xử phạt một người dân vì từ chối hỗ trợ cảnh sát bắt giữ tội phạm do “sợ không an toàn tính mạng”. Ở bang Connecticut (Mỹ), việc từ chối hỗ trợ một nhân viên cứu hỏa hay sĩ quan cảnh sát có thể phải đối mặt với án tù tối đa là một năm hoặc mức tiền phạt tối đa 2.000 USD. Còn ở California, việc từ chối hỗ trợ một sĩ quan cảnh sát, có phù hiệu hoặc giấy chứng nhận từ đơn vị chủ quản hoặc tòa án, có thể phải đối mặt với mức phạt 50-1.000 USD. Chưa có quy định về trưng dụng phương tiện liên lạc Trong các điều luật của nhiều nước, liên quan đến việc cảnh sát trưng dụng tài sản cá nhân hỗ trợ thực thi nhiệm vụ, gần như không thấy một điều khoản nào quy định cụ thể về trưng dụng phương tiện liên lạc của người dân. Tương tự, việc quy định quyền trưng dụng dành riêng cho lực lượng CSGT cũng gần như không xuất hiện. Luật pháp các nước chỉ đề cập về trưng dụng tài sản cá nhân một cách khái quát và chỉ đề cập đến lực lượng cảnh sát và chính quyền nói chung. |