Quy định này nằm trong Thông tư 01 do Bộ Công an mới ban hành, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Thật ra quy định này đã có từ lâu nên không phải bất ngờ về việc bây giờ mới trưng dụng. Bất ngờ ở chỗ là cơ quan ban hành nói chuyện về xài tài sản của dân mà sao... đơn giản quá, làm dân băn khoăn quá! Anh nói anh có quyền trưng dụng là anh trưng dụng. Thì anh cũng có nói thêm là trưng dụng và “sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật”. Chấm hết. Còn dân thì sao? Muốn hiểu thêm thì tự đi mà tìm hiểu chăng?
Tài sản của cá nhân mình, đồng ý rằng công dân hoàn toàn chấp nhận cho Nhà nước, công chức trưng dụng, sử dụng. Thế nhưng sử dụng thế nào, sau đó giải quyết tài sản ra sao, cơ quan ban hành văn bản thì phải nói cho rõ ràng chứ! “Theo quy định của pháp luật” là theo quy định nào, trong văn bản nào? Tài sản là rất cụ thể, có thể tính ra từng đồng, mà “quy định của pháp luật” là mênh mông, băn khoăn quá.
Giả sử người dân hiểu việc trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản (năm 2008), vậy đã đủ chưa, đã bao quát chưa, hay là còn những văn bản nào khác về trưng mua, trưng dụng? Nếu hiểu theo luật này đã đúng và đủ thì sao Bộ Công an không dẫn chiếu ra luôn đi, hoặc trích lại một số điều khoản chủ yếu như trường hợp được trưng dụng, bồi thường sau khi trưng dụng... để bớt những băn khoăn về tài sản cho người dân. Nếu ngoài Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản còn có những văn bản khác thì cũng nên nói rõ cho người dân đỡ lo.
Ngoài câu chuyện về tài sản còn có những chuyện khác về nhân thân, quyền bí mật đời tư... của công dân cũng chưa được đề cập tương xứng trong chuyện trưng dụng. Đơn cử như cái điện thoại ngày xưa chỉ nghe và nói, cái điện thoại năm 2008 còn chưa nhiều chức năng, chứ cái điện thoại di động bây giờ là cả một “kho” dữ liệu về nhân thân, từ hình ảnh, video, tin nhắn đến các ứng dụng về công việc, lịch trình, sức khỏe, thói quen, hành vi... đều nằm trong điện thoại. Có đơn giản là một tài sản vật chất nữa đâu! Nói trưng dụng một phát là cầm đi luôn, dân biết tính sao?
Đương nhiên những trường hợp trưng dụng theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đều là cấp thiết cả, như chiến tranh, an ninh, quốc phòng thì chẳng cần lệnh, rất nhiều người sẵn sàng dâng cho Tổ quốc cả tài sản lẫn tính mạng, có tiếc gì lúc đấy. Nhưng những lúc “nguy cơ” bão lũ, dịch bệnh... thì tình thế đã khác đi rất nhiều rồi. Mà câu chuyện giao thông đường bộ và anh CSGT trưng dụng của Thông tư 01 lại càng khác nữa. Nếu Bộ Công an không quy định cho rõ ràng luôn, dẫn chiếu quy định luôn, ghi ngay trong thông tư này thì sẽ vẫn còn băn khoăn nhiều lắm.
Không riêng gì thông tư “trưng dụng” này, có lẽ trong nhiều văn bản khác, những quy định ảnh hưởng đến quyền tài sản của công dân cần được rà soát, đánh giá và chỉnh sửa lại cho rõ ràng, phù hợp với sự phát triển hiện nay và về sau, khi mà tài sản không chỉ đánh giá bằng con số tiền ghi trên hóa đơn mua vào mà càng qua sử dụng nó lại cộng thêm nhiều giá trị gia tăng về nhân thân và bí mật đời tư của công dân.