(*) LGBTI: Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Intersexual - Đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính
Ngày 25-9, tại Trung tâm Hoa Kỳ (TP.HCM), Trung úy Brett Parson đã có buổi trò chuyện về Vai trò và sự quan trọng của nghiệp vụ cảnh sát, phương pháp xử lý và điều tra tội phạm hình sự liên quan đến cộng đồng LGBTI (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính). Trung úy Brett Parson cũng đã có những chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM về những trải nghiệm của cá nhân ông với các loại tội phạm trên, cũng như ước mơ trở thành cảnh sát từ thuở ấu thơ.
Thử thách sau phán quyết lịch sử
. Phóng viên: Thưa ông, vào tháng 6-2015, luật hôn nhân đồng giới được chấp thuận tại Mỹ. Sau hơn hai năm hôn nhân đồng giới được chấp nhận, vấn đề tội phạm từ cộng đồng LGBTI và tội phạm nhắm vào cộng đồng LGBTI tại Mỹ có chuyển biến ra sao?
+ Trung úy Brett Parson: Trong chín tháng vừa qua tội phạm gia tăng hơn. Tội phạm xuất phát từ nhiều thành phần dù họ là quan điểm bảo thủ hay tự do trong vấn đề hôn nhân đồng giới. Đây cũng chỉ là những thông tin không chính thức, ít nhất cũng hơn một năm nữa mới có thống kê chính thức vấn đề này. Thực tế không có thống kê cụ thể từ tòa án tối cao về tình hình tội phạm trước và sau thời điểm hôn nhân đồng giới được công nhận tăng giảm như thế nào.
. Từ khi nào các sở cảnh sát tại Mỹ thấy cần thiết thành lập Bộ phận Liên lạc đặc biệt hướng đến cộng đồng LGBTI?
+ Từ thập niên 1970, Mỹ đã có khái niệm tội phạm chống lại các cộng đồng đặc biệt trong xã hội (LGBTI, Hồi giáo, Do Thái, châu Phi, châu Á, người Latin…). Cảnh sát Mỹ khi đó cũng lên ý tưởng thành lập những lực lượng đặc biệt quan tâm đến các nhóm này. Ban đầu các lực lượng này chủ yếu hướng đến đối tượng phân biệt chủng tộc. Sau khi đại dịch HIV lan rộng, cảnh sát quan tâm hơn đến nhóm tội phạm trong cộng đồng LGBTI. Cho tới thập niên 1990, sở cảnh sát tại thủ đô Washington, D.C. đã có lực lượng đặc biệt chính thức để chuyên nghiệp hóa.
Cộng đồng LGBTI được quan tâm bảo vệ hơn tại Mỹ nhưng tình hình tội phạm có liên quan đến cộng đồng này vẫn còn nhiều phức tạp. Ảnh: REUTERS
Nhà tù là bài toán hóc búa
. Ở Mỹ và nhiều nước phát triển, việc có nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng có phòng dành cho cộng đồng LGBTI thì đã rõ. Nhưng với hệ thống nhà tù, trại giam tại Mỹ thì có hệ thống riêng cho cộng đồng LGBTI hay không?
+ Rất khó trả lời thấu đáo cho câu hỏi này. Tại Mỹ, hệ thống nhà tù, trại giam giữ mỗi bang rất khác nhau. Cụ thể ở Sở cảnh sát Washington, D.C., người phạm tội được lập tức đưa về khu vực tạm giữ, vốn khá chật chội và cơ sở vật chất không thuận lợi để có khu vực riêng cho người chuyển giới. Sau khi làm mọi thủ tục, nếu người vi phạm bị tạm giữ lâu hơn thì họ sẽ được chuyển qua một khu vực khác.
Hai cơ sở tôi vừa nói có thể về mặt pháp lý như nhau (đều là tạm giam) nhưng cơ sở sau có không gian hơn nên có khu vực riêng cho người thuộc LGBTI. Tuy nhiên, nếu phạm nhân phải ra tòa, họ sẽ phải chuyển sang một khu vực trại giam khác nữa và chỗ này có thể không có khu vực riêng cho nhóm này. Nếu rời khỏi Washington, D.C. đến các nhà tù, trại giam ở các tiểu bang khác thì tôi cũng không rõ nơi nào có không gian riêng cho họ.
. Cảnh sát đặc biệt được chuẩn bị những khóa học tâm lý như thế nào khi xử lý các tội phạm có thù ghét, thành kiến sẵn với cộng đồng LGBTI?
+ Hành vi phạm tội nhắm vào cộng đồng LGBTI thì thường có ba đặc điểm chính: Thứ nhất, họ là những người say rượu hoặc dùng thuốc kích thích trong khi thực hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, họ là những người có thành kiến về tôn giáo, chính trị hoặc quá cực đoan, điều này gần giống với những tội phạm khủng bố. Và cuối cùng, họ là những người rơi vào dạng tâm thần khi không phản ứng chính xác được đúng sai. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, một người có thể phạm tội khi chỉ cần có một trong ba đặc điểm trên.
Trung úy Brett Parson trong buổi trò chuyện cùng Pháp Luật TP.HCM sáng 25-9. Ảnh: TRUNG TÂM HOA KỲ
Gốc rễ bạo lực: Định kiến
. Thực tế tại Việt Nam, sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTI chủ yếu nằm trong suy nghĩ, tư tưởng chứ chưa thể hiện thành hành vi bạo lực. Theo ông, việc ẩn chứa trong tư tưởng và việc bột phát ra thành bạo lực, điều nào gây bất ổn hơn cho xã hội?
+ Bất cứ xã hội nào cũng có thành kiến và định kiến. Chúng ta phải hiểu rằng gốc rễ hành vi bạo lực đều xuất phát từ suy nghĩ con người. Khi định kiến gia tăng thì nhóm bạo lực sẽ gia tăng. Muốn thay đổi định kiến, con đường duy nhất là thông qua giáo dục, tuyên truyền cộng đồng nhiều hơn để chính người LGBTI ý thức được bản thân họ, cũng như xã hội hiểu hơn về LGBTI. Từ đó tình hình tội phạm sẽ giảm.
Khi đến bất cứ một buổi gặp gỡ đại diện chính phủ nào, câu hỏi tôi luôn đặt ra là “Có người nào LGBTI trong hệ thống chính phủ hay không?”. Câu trả lời “có” hay “không” là một tiền đề quan trọng giúp tôi hiểu hơn về tội phạm do thành kiến tại quốc gia đó.
. Bản thân ông có những trải nghiệm như thế nào đã đưa ông đến Bộ phận liên lạc đặc biệt và là chuyên gia về tội phạm LGBTI?
+ Có lẽ tôi rất khác những đứa trẻ khác bởi từ bé đam mê làm cảnh sát đã luôn ám ảnh tôi. Tôi vẫn nhớ mùa Halloween năm tôi sáu tuổi, tôi đã đóng vai cảnh sát. Từ đó mọi lễ hội, tiệc tùng của tuổi thơ, tuổi thiếu niên tôi đều hóa thân thành cảnh sát. Cho đến tuổi dậy thì, dù nhận ra mình là người đồng tính thì tôi vẫn không từ bỏ ước mơ đó.
Ở thời điểm tôi nhận ra mình là đồng tính nam thì vấn đề đồng tính không phổ biến cho lắm. Tuy nhiên, may mắn là thủ đô Washington, D.C. không phải là nơi quá lạ lùng với cộng đồng này. Mà nhìn tôi thấy cao to nên tôi có đồng tính thì cũng không ai dám phân biệt đối xử với tôi (Cười). Rồi tôi vẫn tiếp tục giấc mơ làm cảnh sát của mình.
Vào năm 1999, cảnh sát trưởng của Sở cảnh sát Washington, D.C. đề nghị tôi tham gia Bộ phận Liên lạc đặc biệt đã được thành lập một năm của Sở, phụ trách đồng tính nam và đồng tính nữ. Sau 20 năm làm việc trong lực lượng này, dẫu cho không thỏa hết như ước mơ làm cảnh sát nhưng với “khả năng đặc biệt”, tôi hiểu đây chính là trách nhiệm của mình.
. Xin cám ơn ông.
Hơn 20 năm kinh nghiệm Trung úy Brett Parson đã phục vụ tại Sở cảnh sát Washington trong hơn 20 năm và trong ngành thực thi pháp luật Hoa Kỳ hơn 30 năm. Ông làm ở Văn phòng Điều hành của giám đốc sở cảnh sát, phụ trách Bộ phận Liên lạc đặc biệt của sở. Ông Parson được công nhận trong và ngoài nước là chuyên gia về điều tra tội phạm hình sự do các cá nhân của cộng đồng LGBTI gây ra hoặc chống lại cộng đồng này. Ông đã thuyết trình tại nhiều nước, cung cấp nghiệp vụ cảnh sát và điều tra đa dạng đối với tội phạm hình sự có động cơ thù hận hoặc phân biệt đối xử. Bài giảng và sự ủng hộ tích cực của ông Parson đã giúp ích cho nhiều cơ quan, ban, ngành tại Mỹ. Ông Parson từng phục vụ cho các cơ quan thực thi pháp luật cấp liên bang lẫn địa phương và các tổ chức phi chính phủ Mỹ. Ông Parson tốt nghiệp cử nhân ngành tư pháp hình sự và thạc sĩ ngành tư pháp hình sự và tư vấn tại Trường ĐH Maryland at College Park. Sáng 26-9, Trung úy Brett Parson sẽ tiếp tục buổi nói chuyện với chủ đề Tội phạm do sự thành kiến, do thù ghét với sinh viên ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM. |