Tổng thống Trump chiến đấu với 'di sản' của chính mình

Ngày 20-1 là thời khắc lịch sử của nước Mỹ khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống. Trong cuộc chiến “tăm tối nhất lịch sử bầu cử Mỹ” với đối thủ nặng ký nhất của mình – bà Hillary Clinton, hay những chính trị gia máu mặt nhất lưỡng đảng trong suốt thời gian tranh cử, ông Trump chiến thắng bất ngờ, trở thành Nhân vật của năm 2016 do Tạp chí Time bình chọn.

Ông Trump bắt đầu với những cuộc chiến mới khi làm chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, khác với ông Obama cách đây 8 năm - phải chiến đấu với những “di sản” của người tiền nhiệm, cựu tổng thống Bush, gồm cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và sự sa lầy tại chiến trường Iraq – ông Trump lại đang lâm vào cuộc chiến với chính những “di sản” của mình tạo ra.

"Một nửa đất nước" nổi giận

Bầu cử của Mỹ thường kết thúc với mô tuýp “một nửa đất nước buồn, một nửa còn lại sẽ thấy hạnh phúc” – cách vận vận hành đặc trưng của nền dân chủ kiểu Mỹ. Xu hướng hai phe “tả-hữu” với trạng thái tự do và bảo thủ thể hiện rõ ràng trên bản đồ phân bố cử tri trên toàn nước Mỹ, ngoại trừ một số bang được xem là “chiến trường” có sư dao động qua lại. Thế nên, chỉ trích tổng thống là thứ không bao giờ thiếu.

Thế nhưng, phải đối mặt với những dòng người biểu tình lịch sử, lên đến con số hàng triệu như hiện nay đó là một điều lạ đáng lo ngại với một tân tổng thống Mỹ.

Trên mạng xã hội Facebook, một giáo sư người Mỹ đưa ra một ý tưởng, nếu con số tham gia biểu tình chống ông Trump lên mức 4 triệu người và mỗi một người biểu tình bỏ ra 10 USD, đồng thời cùng thuyết phục được 4 người khác không biểu tình góp mỗi người 10 USD. Tất cả sẽ tạo ra một quỹ tiền ước tính 200 triệu USD để chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào lưỡng viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018. Phong trào “Swing Left” (giúp đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát quốc hội vào năm 2018) cũng diễn ra với mục tiêu đưa lưỡng viện “từ đỏ về xanh”.

Tân tổng thống Mỹ Donald Trump

Hàng triệu người thay vì tới dự lễ nhậm chức của tân tổng thống Trump thì chọn cách xuống đường biểu tình.

Trong số đó, có những người chống phân biệt giới tính, chống phân biệt chủng tộc -  màu da, chống chủ nghĩa bài ngoại và bài hồi giáo, chống phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT, chống phá bỏ đạo luật chăm sóc sức khỏe cộng đồng Obamacare, và chống những chính sách “khiến Mỹ vĩ đại trở lại” mơ hồ mang tính khẩu hiệu thể hiện rõ trong bài phát biểu nhậm chức gây tranh cãi của ông Trump.

Và tất nhiên, có thể gồm cả những người đã không đi bầu (để bỏ phiếu cho bà Clinton) hồi tháng 10-2016 vì tin vào sự sáng suốt của cử tri Mỹ và các hệ thống thăm dò dự báo từ những hãng truyền thông mạnh nhất thế giới.

Ông Trump không chỉ đối diện với “một nửa đất nước buồn”. Mà chính xác là “một nửa đất nước đang nổi giận”. Bởi khác với người tiền nhiệm Obama – “dân chủ hay cộng hòa đều là người Mỹ” – ông Trump thực hiện những chính sách chỉ làm hài lòng cử tri của mình và gạt bỏ lợi ích những người còn lại.

Nửa còn lại sẽ sớm thất vọng

Lợi ích mà ông Trump hứa sẽ mang lại cho những người cầm “phiếu đỏ” cho đến nay vẫn còn xa vời.

Thứ nhất, ông Trump hứa “lấy lại việc làm trả cho dân Mỹ”. Điều này lẽ ra ông Trump nên học hỏi ông Obama, người đưa tỉ lệ thất nghiệm tại Mỹ từ cao ngất năm 2009 xuống mức chạm đáy trong vòng nhiều thập kỷ qua sau khi kết thúc 2 nhiệm kỳ. Nhóm cử tri thất nghiệp của ông Trump hiện nay có trình độ thấp, thế nên không thể cạnh tranh với lao động cùng tay nghề (nhưng nhận lương thấp hơn) ở các nước kém phát triển hơn tại châu Á trong chuỗi cung ứng sản phẩm dựa trên lợi thế so sánh.

Mặt khác, sự bùng nổ của công nghệ hiện đại trong các nhà máy, công xưởng, thậm chí các đồn điền, trang trại hay những cánh đồng xa xôi càng thu hẹp các vị trí dành cho sức lao động cơ bắp của con người.

Thay vì tìm cách san sẻ lợi ích từ tự do hóa thương mại đang hầu hết bị thâu tóm bởi những đại tập đoàn, những nhóm lợi ích hay những nhà tài phiệt có sang tay người yếu thế, ông Trump tuyên trảm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP); yêu cầu đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) như cách làm hài lòng nhóm cử tri thất nghiệp. Về lâu dài, bài toán thất nghiệp cũng sẽ không được giải. Trên trang Project Syndicate, Joseph E. Stiglitz (đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001) nhận định với thực trạng thừa cung thiếu cầu, số lượng việc làm lĩnh vực sản xuất vẫn sẽ giảm.

Thậm chí, chiến tranh thương mại với Mexico, Trung Quốc hay các nước đối tác thương mại khác chỉ làm cho người Mỹ nghèo hơn, trong khi các biện pháp giảm thuế cho người Mỹ và các tập đoàn kinh tế đình đám cũng chỉ mang lại những lợi ích nhỏ giọt để có thể bù đắp thiệt hại.

Francis Fukuyama, nghiên cứu viên cao cấp tại ĐH Stanford, viết trên tờ Financial Time rằng việc Mỹ đơn phương đòi thay đổi các thế chế kinh tế lâu nay (như WTO, NAFTA hay thương mại tự do nói chung) vốn định hình nền kinh tế toàn cầu có thể dẫn đến những va chạm với những nền kinh tế quyền lực mà hậu quả là khủng hoảng kinh tế như giai đoạn 1930.

Nhóm người có hơi hướng “chính trị bản sắc” vốn đề cao người bản xứ, bài trừ người nhập cư nhất là người hồi giáo, có lẽ cũng thất vọng bởi hứa hẹn xây dựng “bức tường Mexico” sẽ là xa vời. Nếu tiến hành, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách sẽ giảm do cắt giảm thuế, nguồn đầu tư vào giáo dục, hạ tầng, phát tiển công nghệ, y tế, phúc lợi xã hội chắc chắn ảnh hưởng theo. Trong khi nếu bãi bỏ, ông Trump cần một kế hoạch thay thế và một lời lý giải hợp lý nếu không muốn đám đông tiếp tục xuống đường.

Sa đà cuộc chiến với “quyền lực thứ tư”

Ông Trump còn đang tổ chức cuộc chiến với giới truyền thông – một cuộc chiến mà lẽ ra ông Trump không nên sa đà. Ông Trump chỉ trích báo giới Mỹ “thiếu trung thực” và tự mình xử lý khủng hoảng trong quan hệ với giới báo chí thông qua tài khoản Twitter cá nhân.

Một đặc trưng văn hóa báo chí tại Mỹ chính là các nhà báo độc lập với quyền lực của nhà nước, được xếp vào nhóm “quyền lực thứ tư” bên cạnh ba nhánh tam quyền phân lập. Việc công kích giới “giám sát” (watchmen) sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ông Trump tuyên chiến với giới "quyền lực thứ tư"

Dễ thấy nhất là sự mất tập trung. Ông Trump đã cho cắt đường dây giữa Nhà Trắng với người dân, trong khi lại dành thời gian cho việc đấu khẩu với giới truyền thông. Các cuộc tấn công của báo chí nguy hiểm không chỉ ở những nội dung được họ công bố, mà còn là cách họ làm thay đổi suy nghĩ và dẫn đến thay đổi sự ủng hộ của những cử tri thân cậy với ông Trump.

Mạng xã hội và sự can thiệp của công nghệ với các công cụ tìm kiếm tin tức có khả năng tạo ra một vùng cách ly (echo chamber) mà ở đó những ý tưởng chống đối ông Trump sẽ dễ dàng gặp nhau, cộng hưởng. Rất không may cho ông Trump, vùng cách ly này không giới hạn trong phạm vi nước Mỹ, mà còn đưa hình ảnh ông Trump ra phạm vi toàn cầu.   

Tất nhiên, ông Trump trên cương vị tổng thống sẽ còn nhiều ưu tiên hơn là thiết lập một đội ngũ đủ mạnh để đối trọng hay “trả đũa” những hãng báo chí thuộc nhóm mạnh nhất nước Mỹ hiện nay. Việc đầu tư cho một hệ thống đội ngũ quản lý khủng hoảng trong quan hệ với công chúng đã không dễ, nay ông Trump phải tốn thêm nguồn lực cho những người “dọn dẹp” những sơ hở của mình.

Nhiều người tin rằng ông Trump không quan tâm đến thắng cử ở nhiệm kỳ 2 cũng như những hậu quả chính trị mà ông có thể gây ra bằng những chính sách (và các ý tưởng chính sách) hiện tại. Tuy nhiên, việc đối đầu với những cuộc chiến do chính mình gây ra mà hậu quả là mất luôn “một nửa đất nước từng ủng hộ mình” sẽ là điều làm ông Trump căng thẳng – như nét mặt của ông khi chuẩn bị bước lên tuyên thệ nhậm chức vào hôm 20-1 vừa rồi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm