Từ tối 13-10, phần tiếp theo của bộ phim truyền hình Hậu duệ mặt trời tiếp tục lên sóng.
Những tập trước của bộ phim hao hao giống sản phẩm điện ảnh của Hàn Quốc này từng gây dư luận không tốt vì thiếu hụt kiến thức quân sự cũng như sự hiểu biết về quân đội nhân dân Việt Nam. Từ việc này, hôm 9-10, Bộ Quốc phòng đã lên tiếng nhắc nhở.
Bộ phim "sửa sai sót" bằng đoạn thuyết minh mang tính "chữa cháy". Ảnh SGGP
“Vừa qua phim phát sóng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhất là về lễ tiết, tác phong mang mặc của một số quân nhân trong phim sai so với điều lệnh quy định của quân đội…
Rồi hình ảnh của người quân nhân trên phim phản ảnh chưa sát so với đời sống thực tế của bộ đội… Khi phim phát sóng chúng tôi có theo dõi có thấy một số vấn đề như vậy” - đại diện Bộ Quốc phòng nói và đề nghị chỉnh sửa những sai sót trên trước khi phát sóng những tập tiếp theo. Theo đó, việc chỉnh sửa để hình ảnh tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ được phản ánh một cách chân thực, đầy đủ và một cách chính xác nhất.
Một hình ảnh trong phim - Ảnh Sao star
“Giải quyết” đề nghị đó, trong lần phát sóng hôm 13-10, nhà sản xuất “chữa cháy” bằng cách thêm vào phim đoạn chú thích. Rằng: “Các nhân vật, tình huống và sự kiện trong phim đều là sản phẩm hư cấu do những người làm phim xây dựng. Các đất nước trong phim cũng là giả tưởng. Mọi sự trùng hợp nếu có chỉ là ngẫu nhiên” (!?).
Hình như họ quên! Vì bộ phim là câu chuyện của những nhân vật mặc trang phục của lực lượng hải quân, cảnh sát biển Việt Nam, đi trực thăng có hình ảnh cờ đỏ sao vàng và chữ Không quân Việt Nam.
Vẫn biết dưới góc độ kinh tế, chi phí để nghiêm túc “nhặt sạn” những lỗi bị phản ứng trên sẽ khiến nhà sản xuất tốn một khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, không vì thế mà nói đây là “phim hư cấu; mọi sự trùng hợp là ngẫu nhiên” một cách rất không thuyết phục như vậy thì rất khó được thông cảm.
Lảng tránh sự làm việc cẩu thả trước đó bằng một trần tình như thế liệu có sòng phẳng với khán giả? Chưa nói đây là bộ phim có hình ảnh người lính?
Tác phong xa lạ với quân nhân Việt Nam. Ảnh: TPO
Sau tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” gây phản ứng mạnh mẽ trong xã hội về cảnh giường chiếu của một nhân vật anh hùng có tên trong chính sử, bộ phim “Hậu duệ mặt trời” có vẻ như đang góp phần tạo tiền lệ xấu tạo nghệ thuật khi viện lý do “hư cấu”.
Sự bao biện như vậy khiến vẻ đẹp sáng tạo chân chính bị vẩn đục. Đồng thời gây tổn hại cho nhân vật, đất nước, dân tộc… mà "sản phẩm nghệ thuật" đó phản ánh hoặc ám chỉ.
Nghiêm túc nhìn nhận cái sai, khắc phục cái sai bằng tinh thần trách nhiệm và xin lỗi với thái độ chân thành… mới là cách hành xử được trân quý.