Cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được mở rộng thế nào?

(PLO)- Việc mở rộng 2 cao tốc ở 2 cửa ngõ TP.HCM gồm đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và TP.HCM - Trung Lương sẽ được triển khai trong thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-9, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua dự án mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn tuyến từ nút giao An Phú - vành đai 2) với tổng chiều dài 3,2 km quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe.

2 cao tốc thường xuyên quá tải

Đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường kết nối trực tiếp vào nút giao An Phú - nơi có tình hình giao thông phức tạp nhất TP. Vì vậy, tuyến đường này thường xuyên quá tải.

Giai đoạn 1 của dự án đường nối đầu tư với quy mô 4 làn xe được đưa vào khai thác từ năm 2016 đến nay. Kết quả dự báo nhu cầu giao thông đoạn đường này đến năm 2025 đạt khoảng 50.000 CPU/ngày đêm, vượt quá so với năng lực thông hành của tuyến đường. Dự báo đến năm 2030, lưu lượng phương tiện đạt khoảng 59.000 CPU/ngày đêm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành, đến nay lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cũng liên tục tăng cao (trung bình 11,12%/năm).

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bị mãn tải. Ảnh: HUỲNH DU
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã bị mãn tải. Ảnh: HUỲNH DU

Tương tự, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - tuyến đường kết nối đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên ùn ứ, mãn tải với 4 làn xe. Khi mới đưa vào khai thác, tuyến đường đã phục vụ gần 1,7 triệu lượt xe, xảy ra 49 vụ va chạm, cứu hộ 431 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu.

Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị vận hành tuyến cao tốc này cho biết nguyên nhân của các vụ tai nạn có thể xuất phát từ các yếu tố như quy mô đầu tư giai đoạn 1 đã mãn tải. Lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận quá lớn do quy mô đầu tư giai đoạn 1 được tính toán cách đây hơn 10 năm.

Trước nhu cầu thực tế trên, gần đây Sở GTVT TP.HCM đã có Tờ trình UBND TP về việc ban hành kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình giao thông vận tải trọng điểm ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2024-2030.

Trong đó đáng chú ý, 2 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ được nâng cấp mở rộng gồm giai đoạn 2024-2026 đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (từ nút giao An Phú - vành đai 2) và giai đoạn 2024-2028 mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Cấp thiết mở rộng hai tuyến đường

Theo Sở GTVT TP.HCM, HĐND TP.HCM quyết nghị mở rộng đoạn tuyến từ nút giao An Phú - vành đai 2 với tổng chiều dài 3,2 km quy mô hoàn chỉnh 8 làn xe. Trong đó, phần đường có chiều dài 2,19 km, chiều rộng 36 m mở rộng mỗi bên 4,75 m.

Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư, tổng vốn thực hiện hơn 900 tỉ đồng từ ngân sách TP. Thời gian thực hiện từ 2024 - 2027. Dự án vừa được thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 27-9.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư với dự án đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 đến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC làm chủ đầu tư. Dự kiến dự án hoàn thành trong giai đoạn 2024-2026.

mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối với nút giao thông An Phú, thường xuyên bị ùn ứ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Báo cáo về tiến độ dự án với UBND TP, Sở GTVT cho biết sở cũng phối hợp với Bộ GTVT trong việc nâng cấp, mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Sở GTVT TP sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) trong quá trình triển khai dự án mở rộng đường nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đảm bảo kết nối đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

Tương tự, dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hiện đang được Công ty CP Tập Đoàn Đèo Cả - Công ty CP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - Công ty CP Tasco là đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Hiện Sở GTVT TP cùng các sở ngành, địa phương xem xét đối với hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Sau đó, Sở GTVT cũng đã có báo cáo UBND TP về phương án đầu tư xây dựng, mở rộng đường cao tốc này.

Sở GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT về đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (liên quan đến tuyến nhánh, nút giao kết nối cao tốc trên địa bàn TP) khi có yêu cầu. Với tiến độ trên, dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2028.

Đại diện Ban Giao thông cho biết năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành bộ khung giao thông vào giai đoạn 2025-2030.

Theo đó, bên cạnh các tuyến vành đai, giai đoạn tới sẽ hình thành 5 cao tốc hướng tâm của TP.HCM như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Thủ Dầu Một - Chơn Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Trung Lương và hoàn thành cao tốc TP.HCM - Bến Lức.

Như vậy, trong giai đoạn tới, hàng loạt tuyến cao tốc quan trọng sẽ được triển khai, tăng năng lực thông hành, giảm ùn ứ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm