Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT vừa có ý kiến về phương án mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành, thuộc dự án đường bộ cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây.
Thống nhất làm thêm cầu Long Thành
Theo đó, bộ này thống nhất phạm vi đầu tư đoạn TP.HCM - Long Thành với chiều dài hơn 21 km. Dự án có điểm đầu tại km4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc TP Thủ Đức, TP.HCM. Điểm cuối km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Về quy mô đầu tư, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Cụ thể, đoạn từ vành đai 2 đến vành đai 3 mở rộng 8 làn xe, thay vì bốn làn như hiện nay; đoạn từ vành đai 3 đến đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có quy mô 10 làn xe, thay vì bốn làn xe như hiện nay.
Về cầu trên tuyến, Bộ GTVT thống nhất xây thêm cầu Long Thành với bốn làn xe như cầu Long Thành hiện tại để đảm bảo khai thác đồng bộ 10 làn xe với đoạn này.
“Quy mô đầu tư theo đề xuất nêu trên là phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ được duyệt…”- Bộ GTVT nhấn mạnh.
Bộ GTVT cũng ủng hộ phương án VEC huy động 100% vốn thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc và tổ chức vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn đoạn TP.HCM - Long Thành theo Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận định việc đề xuất sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng là chưa phù hợp với Luật Đầu tư. Bởi lẽ, luật quy định nhà đầu tư phải trả chi phí giải phóng mặt bằng. Trường hợp sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để giải phóng mặt bằng thì dự án sẽ phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và sẽ gặp nhiều vướng mắc.
“Do vậy, đề nghị Ủy ban và VEC nghiên cứu sử dụng vốn VEC huy động để thực hiện giải phóng mặt bằng…”- Bộ GTVT nêu quan điểm.
Cần cho VEC khoanh nợ
Về cơ chế tài chính, Bộ GTVT cho biết trong quá trình thẩm định nội bộ để trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án Bến Lức – Long Thành (dự án đang do VEC đầu tư), đơn vị đã xem xét đến dòng tiền của VEC. Qua đó cho thấy, VEC thu tiền từ các dự án đường bộ cao tốc luôn dương, chẳng hạn năm 2026 thu về dương 1.826 tỉ đồng, năm 2028 là 1.840 tỉ đồng, đảm bảo khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT thấy rằng để VEC có tiền tích luỹ đầu tư dự án trên cần hai yếu tố như Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất. Đó là xem xét, cho phép VEC khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản vay trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho doanh nghiệp trước đây, với số tiền 5.334 tỉ đồng; VEC cần sớm hoàn thành thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tăng vốn điều lệ cho phù hợp để vay vốn.
Bộ GTVT cho rằng trong bối cảnh hiện nay nếu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư không thể hoàn thành dự án để đưa vào khai thác đồng bộ với dự án sân bay Long Thành. Do đó, Bộ GTVT ủng hộ phương án đầu tư do Ủy ban đề xuất.
Đầu tháng 8, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án mở rộng cao tốc đoạn TP.HCM - Long Thành.
Theo đó, dự án được đề xuất mở rộng lên 8-10 làn xe tuỳ đoạn, trong đó có những vị trí đã có mặt bằng nhưng nhiều vị trí cần phải giải phóng thêm mặt bằng. Kinh phí giải phóng mặt bằng do ngân sách địa phương và trung ương chi trả và thực hiện.
VEC làm chủ đầu tư tuyến đường, với số tiền hơn 14.955 tỉ đồng, bao gồm hơn 5.555 tỉ vốn chủ sở hữu của VEC (37% tổng mức đầu tư), vốn vay thương mại 9.700 tỉ đồng (63% tổng mức đầu tư). Dự án sẽ thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025 đến tháng 12-2027.
Hiện lãnh đạo Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có ý kiến về phương án mở rộng cao tốc do VEC đề xuất. Sau đó, lãnh đạo Chính phủ sẽ họp về nội dung này.
Theo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, VEC cần có hai cơ chế để đầu tư mở rộng cao tốc. Một là được tăng vốn điều lệ công ty từ 1.115 tỉ đồng lên 38.625 tỉ đồng, vì nếu vốn điều lệ thấp ngân hàng không cho vay với số tiền lớn.
Thêm vào đó, VEC cần được hưởng chính sách khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản vay trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ cho doanh nghiệp trước đây, với số tiền 5.334 tỉ đồng.