Sáng 27-4, UBND tỉnh Tiền Giang và Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lễ khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đến dự và cắt băng khánh thành dự án.
Khánh thành sau 13 năm chờ đợi
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL. Đây là tuyến cao tốc dài 51 km nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè). Dự án có quy mô bốn làn xe, tổng vốn đầu tư 12.668 tỉ đồng, trong đó vốn BOT là 10.482 tỉ đồng, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỉ đồng.
Lễ cắt băng khánh thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào sáng 27-4. Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Sau lễ khánh thành, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ cho các loại ô tô lưu thông hai chiều với tốc độ tối thiểu 60 km/giờ, tối đa 80 km/giờ trên tuyến chính thức từ 7 giờ 30 ngày 30-4, dự kiến không thu phí trong 60 ngày. Đây là thời gian để doanh nghiệp dự án triển khai các bước thử nghiệm vận hành, kiểm soát tải trọng, đánh giá các khâu kỹ thuật trước khi chính thức đưa vào thu phí hoàn vốn cho dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính là hiện thực lời hứa của Chính phủ với hơn 20 triệu dân vùng ĐBSCL. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận trong khu vực, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực ĐBSCL.
Theo Phó Thủ tướng, việc khánh thành đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là bước khởi đầu để phấn đấu từ nay đến cuối năm 2022 hoàn thành tiếp 361 km đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, chính quyền địa phương, doanh nghiệp dự án xây dựng các quy định, hướng dẫn về quản lý vận hành, khai thác công trình, đảm bảo thông suốt, an toàn, hiệu quả.
Hơn 100.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng giao thông
Để phát huy hiệu quả của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, Bộ GTVT và các địa phương trong khu vực cần hành động quyết liệt, tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các đoạn, tuyến cao tốc kết nối trong khu vực theo quy hoạch.
Đặc biệt là khánh thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km và cầu Mỹ Thuận 2 trong năm 2023. Phấn đấu để tháng 10-2022 có thể khởi công đoạn Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km, hoàn thành vào cuối năm 2025.
Hôm nay thông xe cầu Thủ Thiêm 2
Sau bảy năm thi công, hôm nay (28-4), cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với TP Thủ Đức chính thức được thông xe. Theo đó, từ 8 giờ hôm nay, người dân sẽ được đi qua cầu Thủ Thiêm 2.
Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP, đáp ứng sự mong đợi của người dân và lãnh đạo TP. Cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sẽ góp phần giảm tải, ùn tắc giao thông cho đường Nguyễn Hữu Cảnh và hầm sông Sài Gòn.
Cầu Thủ Thiêm 2 được coi như một biểu tượng mới từ trung tâm TP vào khu đô thị mới Thủ Thiêm với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm.
THÁI NGUYÊN
Song song đó, Phó Thủ tướng cũng kỳ vọng sẽ khởi công đoạn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng trên 52.000 tỉ đồng, hoàn thành vào năm 2025. Đầu tư đoạn An Hữu - Cao Lãnh dài 27 km, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng. Chuẩn bị đầu tư đoạn Mỹ An - Cao Lãnh dài 27 km, dự kiến tổng mức đầu tư 4.700 tỉ đồng… Đầu tư nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29 km, nâng cấp đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51 km.
“Trong năm năm tới, hơn 100.000 tỉ đồng sẽ được đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL. Đây là ưu tiên rất lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển ĐBSCL” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Long An, Đồng Tháp… ưu tiên dành nguồn lực, tập trung cao cho công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng, đảm bảo nguồn cung vật liệu, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Cạnh đó cần nghiên cứu mô hình, cách làm tại dự án để nhân rộng trong quá trình triển khai các dự án có điều kiện tương tự, góp phần thu hút nguồn lực xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km vào năm 2030.•
Phải đảm bảo việc lưu thông thông suốt và an toàn
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành tạo điều kiện để khai thác lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang, chia sẻ lưu lượng, phương tiện giao thông, giảm ùn tắc giao thông cho quốc lộ 1.
Theo ông Vĩnh, hiện nay mặc dù dự án đã hoàn thành nhưng 41 km của dự án phải đi qua vùng có địa chất yếu và phức tạp. Do đó, để đảm bảo chất lượng công trình trong quá trình khai thác và sử dụng, đề nghị doanh nghiệp dự án phải xây dựng hệ thống quan trắc lún và có các giải pháp xử lý dự phòng. Cạnh đó, ông Vĩnh cũng yêu cầu doanh nghiệp dự án khi vận hành phải đảm bảo việc lưu thông thông suốt và an toàn theo phương án đã được phê duyệt.