Đây là sự chuyển hướng rất cụ thể trong việc xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; khắc phục tình trạng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đó cũng là một trong những giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đưa ra nhằm chống suy thoái của cán bộ.
Từ trước tới nay, mỗi khi người dân muốn làm giấy tờ, thủ tục họ phải đến tận cơ quan hành chính và giao dịch với cán bộ, công chức. Sự uy nghi của các trụ sở và những rắc rối trong phân cấp đôi khi là sự đánh đố đối với người dân. Chưa kể đến việc những tù mù trong quy trình xử lý TTHC cũng khiến người dân như rơi vào ma trận.
Thực tế là thời hạn, trình tự giải quyết hồ sơ của người dân không phải lúc nào cũng được công khai, hoặc không phải lúc nào người dân cũng biết và được hướng dẫn tận tình. Điều đó khiến cho mỗi lần làm TTHC với cơ quan nhà nước, người dân luôn lo lắng không biết mình đã làm đúng chưa. Cũng có những khi người dân đã làm đầy đủ thủ tục như hướng dẫn của công chức nhưng cứ mỗi lần tiếp xúc trực tiếp với công chức thì một thủ tục mới lại phát sinh.
Thế là ngoài việc tốn thời gian, người dân sẽ luôn gặp phải phiền toái khi đến với cơ quan công quyền. Trong ma trận TTHC, người dân không biết lối nào mà lần và đương nhiên phải cậy nhờ cán bộ, công chức chỉ đường vẽ lối. Đây có lẽ là nguyên nhân cốt yếu cho những vòi vĩnh của cán bộ, công chức và thói quen “đi cửa sau” của người dân. Tiêu cực, tham nhũng cũng từ đó mà trở thành lực cản chính trong công cuộc cải cách hành chính nhằm xây dựng một chính quyền công khai, minh bạch và phục vụ.
Phát biểu tại buổi lễ công bố quyết định này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý những công việc tiếp theo còn rất nặng nề, khó khăn, cần có sự quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… Những khó khăn nảy sinh có lẽ cũng bởi vì từ trước tới nay cung ứng dịch vụ công được coi là “xin-cho” chứ chưa được xác định là nhiệm vụ của hệ thống công quyền. Người dân lẽ ra không cần phải xin xỏ, nài nỉ cán bộ, công chức thực hiện TTHC cho mình mà có quyền yêu cầu thực hiện theo luật thì lại phải phong bì, phong bao và “cửa sau cửa trước”.
Dẫu biết rằng thực hiện những điều tốt lành này cho người dân là không dễ trong bối cảnh sức ỳ của một bộ phận cán bộ, công chức còn rất lớn. Nhưng khi các dịch vụ công được xã hội hóa một cách thực tâm thì khi đó bộ mặt của cơ quan hành chính nhà nước sẽ thay đổi, trở về đúng bản chất phục vụ, vì dân.