Chậm chi trả bồi thường, bị phạt như chậm nộp thuế

Sáng 20-3, UBND quận 5 (TP.HCM) tổ chức hội nghị tập huấn quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM theo quyết định số 28/2018 của UBND TP.HCM.

Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 5 phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: K.P

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND quận 5) yêu cầu cán bộ, công chức, các cơ quan ban ngành, UBND các phường tập trung xem xét, nghiên cứu, tiếp thu, nắm vững các quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để áp dụng vào thực tế theo đúng quy định pháp luật.

Ông Trần Minh Thơ (Trưởng phòng Bồi thường, Hỗ trợ tái định cư Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) báo cáo, tập huấn về quyết định số 28 về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.

Ông Trần Minh Thơ báo cáo về công tác thu hồi đất. Ảnh: K.P

Ông Thơ báo cáo về những điểm mới của quyết định 28 của UBND TP ngày 9-8-2018 thay thế quyết định 23/2015 cũ về thẩm quyền, bồi thường đất, chi phí đầu tư vào đất, tái định cư, công trình xây dựng trên đất… Trong đó, ông Thơ lưu ý về việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất.

Ví dụ: Người dân được bồi thường 1 tỷ đồng khi nhà nước thu hồi đất. Ngày 1-4 là UBND ra quyết định thì chậm nhất là trong thời hạn 30 ngày (1-5) kể từ ngày phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng hộ gia đình, cá nhân, tổ chức ảnh hưởng trong dự án.

Trường hợp này có hai phương án giải quyết. Thứ nhất người dân không nhận tiền bồi thường trong thời hạn trên thì cơ quan bồi thường sẽ gửi khoản tiền 1 tỷ này vào kho bạc nhà nước xem như đã hoàn tất việc bồi thường.

Điều này có khác so với trước đây, nếu người dân không nhận tiền thì số tiền này được gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên, hiện nay thì không được gửi vào ngân hàng mà phải gửi tạm vào kho bạc nhà nước. Lúc này xem như nhà nước đã hoàn tất việc thủ tục thanh toán tiền bồi thường.

Việc này phát sinh vấn đề là nếu như trước đây gửi vào ngân hàng thì ngoài số tiền bồi thường thì người được bồi thường còn được thanh toán thêm khoản phát sinh lãi suất của ngân hàng. Nhưng nếu gửi vào kho bạc như hiện nay thì không phát sinh lãi. Tức là khi gửi vào 1 tỷ thì một năm sau cũng chỉ nhận lại cũng đúng bằng 1 tỷ đồng.

Còn việc người dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà gửi đơn khiếu nại thì là việc khác không liên quan đến việc nhận tiền chứ không phải là nhận tiền rồi không được khiếu nại. Hai việc này khác nhau.

Thứ hai là trong thời hạn 30 ngày mà cơ quan bồi thường không chi trả tiền đúng hạn này thì ngoài số tiền chi trả bồi thường thì phải thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức tiền chậm nộp theo quy định Luật Quản lý thuế (0,03%). Lưu ý, tiền phạt chậm chi trả này được tính bằng đơn vị ngày.

Lưu ý 6 điều kiện đảm bảo cho thu hồi đất

Để đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thì cần lưu ý sáu điều kiện sau:

1.Dự án phải thuộc diện nhà nước thu hồi đất.

2. Phải đảm bảo pháp lý về thu hồi đất. Cần lưu ý ở chỗ việc ban hành kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, thông báo thu hồi đất…chỉ được thực hiện sau khi có nghị quyết của HĐND TP thông qua danh mục dự án có thu hồi đất và UBND TP đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của quận-huyện. Trường hợp có thu hồi, chuyển mục đích đất lúa thì phải có chấp thuận của HĐND TP (dưới 10ha) hoặc Thủ tướng Chính phủ (nếu trên 10ha).

3. Đảm bảo quỹ đất quỹ nhà ở, đất ở tái định cư trước khi thu hồi đất.

4. Giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ; Giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với nền đất ở tái định cư; Giá bán, giá thuê mua, giá thuê căn hộ chung cư đối với tái định cư.

5. Đảm bảo vốn chi trả kịp thời khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

6. Có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm đúng quy định và phù hợp để tạo sự đồng thuận và ổn định cuộc sống của các trường hợp bị ảnh hưởng thu hồi đất.

Ông TRẦN MINH THƠ, Trưởng phòng bồi thường, hỗ trợ tái định cư Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm