Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 12, Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII) về việc tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn
Theo nghị quyết này, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế.
Một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng trên là bởi thể chế quản lý, quản trị DNNN còn không ít hạn chế, yếu kém, tạo kẽ hở để hình thành “nhóm lợi ích” thao túng hoạt động của DNNN, tham nhũng, lãng phí.
Cùng đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý DNNN yếu kém về năng lực quản lý, điều hành, sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí.
Trước tình hình đó, nghị quyết lần này chỉ rõ DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình DN…
Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) dưới thời của Trịnh Xuân Thanh được cho là thua lỗ cả ngàn tỉ đồng.
Xử nghiêm ai gây thua lỗ, thất thoát lớn
Về nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nghị quyết lần này nhấn mạnh đối với những dự án đầu tư thua lỗ, thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. “Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn”. Nghị quyết này nêu và nhấn mạnh: “Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh các trường hợp định giá thấp tài sản, vốn của Nhà nước và giá trị DN không đúng quy định của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát tài sản, vốn nhà nước”.
Nghị quyết cũng đề cập đến việc xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, đối xử bất bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế...
Kiên quyết đấu tranh và thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích; tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý của DNNN móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau”. Xử lý hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn thao túng hoạt động của DNNN, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và DN.
Nghị quyết cũng cho hay sẽ thực hiện việc tách người quản lý DNNN khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong DN.
Khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN theo hướng: (1) Thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN, cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN; (2) Phê duyệt và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của DN phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành; (3) Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đúng quy định của pháp luật về công tác tổ chức-cán bộ tại DN. Năm 2020, nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm này sẽ xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài... Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại DN. |