Bởi trước đó, khi dự thảo này được đưa lên để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), người dân… đều chỉ ra những sự phi lý khi tư duy nhà nước làm thay xã hội vẫn tồn tại.
Trước đó, cũng chính Bộ Công Thương đã trình Nghị định 87/2018 thay thế Nghị định 19 về kinh doanh khí với những quy định tiến bộ, phù hợp quy luật của kinh tế thị trường. Nghị định 87 đã tháo cởi hoàn toàn những điều kiện phi lý khiến các DN kinh doanh gas lao đao suốt hơn hai năm trời.
Nhưng dù sao, gần đây, các bộ trong không khí cắt giảm điều kiện kinh doanh theo các nghị quyết của Chính phủ đã làm được nhiều điều có tác dụng thúc đẩy sự phát triển. Có thể kể đến việc Bộ Tài chính loại bỏ ngưỡng 700 triệu đồng phải chịu thuế tài sản đối với nhà trong dự án luật của mình; Bộ Y tế đã trình Chính phủ cắt giảm 90% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm…
Những kết quả này trước hết là do sự quyết tâm của Chính phủ, sự lắng nghe của những người đứng đầu và sự dũng cảm của DN, chuyên gia và người dân trước những chính sách khuất tất.
Thực tế cho thấy chỉ khi nào DN, người dân dũng cảm lên tiếng, không sợ bị trù dập, trả thù bằng những “đòn thù kỹ thuật” từ các cơ quan hoạch định, ban hành chính sách thì khi ấy những quy định trời ơi mới được xóa bỏ.
Bởi nói đi thì cũng phải nói lại, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng kinh doanh ngày 29-4-2016, chính Bộ Công Thương đã cam kết sẽ sửa đổi quy định về kiểm tra formaldehyt trong sản phẩm dệt may. Thông tư 21/2017 của Bộ Công Thương được ban hành. Tuy nhiên, nhiều DN đang khốn khổ với các quy định mới ấy.
Bởi theo lý giải của họ, nếu theo thông tư cũ, trước đây họ chỉ tốn khoảng vài triệu cho một lô hàng nhưng nếu theo thông tư mới thì phải tốn tới 5 triệu đồng/lô hàng. Họ lại kêu ca và thông tư nói trên được lùi thời hạn có hiệu lực tới đầu năm 2019, thay vì 1-5-2018.
Nói thế để thấy rằng một môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh, công khai và bình đẳng không phải là sự ban ơn của nhà nước đối với xã hội. Nó phải là sự cộng hưởng của tinh thần cải cách từ nhiều phía. Sự dũng cảm của người dân, DN là một phần, sự chính trực của những cơ quan và cá nhân ban hành, hoạch định chính sách là một phần nữa.
Nhưng quyết định nhất, nó phải đến từ nhận thức và hành động quyết liệt của người đứng đầu. Bởi chính người đứng đầu là một trong những tác nhân hữu hiệu ngăn chặn những chính sách được ban hành từ tư thế “đút chân gầm bàn”, từ phòng lạnh ra… cuộc sống.