Từ chỗ bị khiếu nại về các bài báo đã đăng mà nhà báo Dương Thị Hằng Nga (trưởng Văn phòng đại diện tạp chí Giao Thông Vận Tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên) đã bị Công an TP Đà Nẵng cấm xuất cảnh.
Ra sân bay mới biết bị cấm
Khoảng 9 giờ ngày 5-8-2017, nhà báo Hằng Nga làm thủ tục xuất cảnh đi Myanmar tại sân bay Tân Sơn Nhất thì bị công an cửa khẩu lập biên bản với lý do là người thuộc diện chưa được xuất cảnh theo đề nghị của Công an TP Đà Nẵng.
Thuật lại sự việc với Pháp Luật TP.HCM, bà Nga kể: “Lúc đó tôi quá bất ngờ vì không nhận được thông báo của công an, tôi có ghi nội dung này trong biên bản. Tôi chuẩn bị kế hoạch đi du lịch ở nước ngoài được cơ quan đồng ý và đã mua tour hơn 60 triệu đồng. Tôi có thắc mắc là tại sao không gửi thông báo cho tôi thì họ nói cứ liên hệ Công an TP Đà Nẵng để giải quyết”.
Theo nhà báo Hằng Nga, uy tín, danh dự của bà bị xúc phạm nghiêm trọng vì bà không phải là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng không phải là người có nghĩa vụ phải thi hành án…. “Khi họ mời vào phòng kín lập biên bản, trả lại hành lý buộc tôi phải quay về, cả đoàn du lịch nhìn như phạm tội ghê gớm. Cảm giác đó, những ánh mắt đó cứ ám ảnh tôi…” - bà Nga nói.
Nhà báo Hằng Nga cho rằng Công an TP Đà Nẵng phải gỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh, xin lỗi công khai, bồi thường tổn thất vật chất, tinh thần, danh dự cho bà.
Nhà báo Hằng Nga trong một lần tác nghiệp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trước đó, ngày 8-4 cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An Lê Thanh Liêm cũng gặp tình huống không hay tương tự. Khi ông cùng gia đình đi du lịch ở Nhật thì bị Công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất không cho đi theo đề nghị của Công an tỉnh Long An. Ông Liêm cũng không nhận được thông báo nào. Ông khiếu nại thì công an cho biết là ông có liên quan đến hai vụ của ngành y tế mà cảnh sát đang điều tra.
Sau đó, ngày 25-10 công an tỉnh có văn bản đề nghị gỡ bỏ biện pháp ngăn chặn xuất nhập cảnh với ông Liêm vì hai vụ việc liên quan đến ông Liêm đã tạm ngừng điều tra.
Ông Liêm chia sẻ: “Khi bị ngăn xuất cảnh, tôi tổn thương tinh thần lớn lắm, không gì bù đắp nổi đâu. Lúc đó mọi người nghĩ rằng tôi phạm tội nghiêm trọng lắm. Chưa kể các đối tác làm ăn cũng nhìn nhận khác, ảnh hương nghiêm trọng tới uy tín, danh dự…”.
Cơ quan điều tra đã làm sai!
Theo Nghị định 136/2007 (được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 94/2015), các cơ quan điều tra có quyền chưa cho xuất cảnh các trường hợp “đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm”.
“Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” thì đã rõ phải là bị can, bị cáo. Còn khi nói đến “công tác điều tra tội phạm” thì phải là đã khởi tố vụ án hình sự và người có liên quan đến công tác này có thể là bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay người làm chứng... Bởi lẽ BLTTHS phân ra rõ tiền tố tụng và giai đoạn tố tụng. Theo khoản 2 Điều 103 bộ luật này, với các tố giác và tin báo về tội phạm, đầu tiên cơ quan điều tra phải kiểm tra, xác minh nguồn tin để xác định có dấu hiệu tội phạm hay không. Tiếp đến, khi xác định được có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự để điều tra tội phạm.
Đối chiếu quy định này sẽ thấy nhà báo Hằng Nga và cựu giám đốc Liêm không thuộc trường hợp chưa được xuất cảnh. Cụ thể, dẫu chưa rõ có làm sai gì không nhưng tại thời điểm bị cấm xuất cảnh thì họ không phải là bị can, bị cáo. Họ cũng không phải là người có liên quan đến công tác điều tra tội phạm vì không có vụ án nào được khởi tố từ các đơn khiếu nại hay tố giác có liên quan đến họ.
Như vậy, việc cấm xuất cảnh bà Hằng Nga “để phục vụ công tác xác minh, điều tra những nội dung khiếu nại có liên quan đến các bài báo của bà” như lý lẽ của Công an TP Đà Nẵng nêu tại công văn gửi Hội Nhà báo Việt Nam là hoàn toàn sai quy định. Tương tự, Công an tỉnh Long An cũng đã làm không đúng quy định khi cấm xuất cảnh cựu giám đốc Liêm không có căn cứ pháp lý. Hành xử của hai cơ quan công an này đã có dấu hiệu lạm quyền!
Cứ hỏi Công an TP Đà Nẵng Tôi không nắm được vụ này, phải hỏi Công an TP Đà Nẵng vì hồ sơ đơn vị này nắm. Phải căn cứ vào hồ sơ đang điều tra thì mới trả lời được có đúng quy định pháp luật hay không. Theo quy định pháp luật, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi tiếp nhận yêu cầu cấm xuất nhập cảnh của cơ quan điều tra (tòa án, công an, viện kiểm sát) thì thực hiện, nhập máy. Cục cũng không cần phải xác minh các yêu cầu này. Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an TUYẾN PHAN ghi |
Công an phải xin lỗi, bồi thường
Từ chỗ bị cấm xuất cảnh oan sai và cũng không được thông báo bằng văn bản mà cả hai người đã bị thiệt hại đủ bề về vật chất, danh dự do bị đột ngột chặn ở cửa khẩu sân bay. Vậy cơ quan điều tra công an hai địa phương cần phải tính sao đối với những thiệt hại này?
Theo khoản 4 Điều 22 Nghị định 136/2007 thì “người quyết định chưa cho công dân xuất cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình”. Ngoài việc phải giải tỏa ngay lệnh cấm xuất cảnh đối với trường hợp của bà Hằng Nga và không tiếp tục tái cấm đoán vô căn cứ đối với ông Liêm thì công an hai tỉnh cần chủ động xem xét bồi thường thiệt hại cho cả hai theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Công an TP Đà Nẵng nói gì? Chiều tối 1-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Trần Đình Liên (Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) khẳng định công an đã làm đúng. Theo Đại tá Liên, ngày 5-5-2017, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo tội phạm liên quan đến bà Nga. Cụ thể, Công ty TNHH The Sunrise Bay, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 và ông Phan Văn Anh Vũ (trú 82 Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng) đề nghị điều tra làm rõ trách nhiệm cá nhân của bà Nga và tạp chí Giao Thông Vận Tải liên quan đến các bài viết mà họ cho là sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân ông Vũ cùng lãnh đạo công ty. Đại tá Liên nói: “Qua xác minh, Cơ quan ANĐT xét thấy các nội dung tố cáo là có cơ sở và có dấu hiệu hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân tại Điều 258 BLHS 1999. Vì thế chúng tôi đã phân công điều tra viên xác minh, VKSND TP Đà Nẵng cũng phân công kiểm sát viên giám sát theo quy định”. Cũng theo ông Liên, Cơ quan ANĐT đã giải thích với bà Nga vụ việc điều tra tin tố giác tội phạm không liên quan đến vụ kiện dân sự của ông Vũ với bà Nga tại TAND quận Hải Châu. “Với các tài liệu, chứng cứ thu thập được và để đảm bảo phục vụ cho công tác điều tra, căn cứ Nghị định 136/2007 của Chính phủ (về xuất cảnh-nhập cảnh của công dân Việt Nam) và Thông tư 21/2011 của Bộ Công an (về trình tự chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh), chúng tôi đã có báo cáo đăng ký về việc “chưa được xuất cảnh” đối với công dân Dương Thị Hằng Nga từ ngày 1-6-2017 đến 1-9-2017” - Đại tá Liên cho hay. Theo ông Liên, việc này là có căn cứ, đúng quy định nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Cụ thể, Điều 21 Nghị định 136 quy định công dân Việt Nam ở trong nước đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm thì chưa được xuất cảnh. Điều 22 nghị định này cũng nêu rõ cơ quan điều tra có thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh. Khoản 3 Điều 22 Nghị định 136 nêu cơ quan nào ra quyết định chưa cho công dân xuất cảnh thì có trách nhiệm thông tin bằng văn bản cho công dân đó biết, trừ trường hợp vì lý do đảm bảo bí mật cho công tác điều tra tội phạm và lý do an ninh. Vì vậy cơ quan ANĐT áp dụng đúng luật, không sai. Theo ông Liên, hồ sơ vụ việc cũng đã được báo cáo bộ trưởng Bộ Công an, Cục ANĐT và thông báo đến các cơ quan mà bà Nga gửi đơn khiếu nại. MAI ANH Chúng tôi tiếp tục theo dõi Với trách nhiệm của mình, sau khi nhận được đơn của bà Nga, hội đã có văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, Công an TP Đà Nẵng đề nghị phối hợp làm rõ. Hội cũng đã nhận được công văn phản hồi về sự việc. Hiện tại chúng tôi chưa đánh giá được tính đúng sai của sự việc. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh sự phản hồi kịp thời từ cơ quan chức năng của Đà Nẵng. Chúng tôi cũng cho rằng đó là hoạt động bình thường của PV, nhà báo và mong muốn các cơ quan chức năng làm việc công minh, chính xác. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tiến triển của vụ việc. Chúng tôi cũng đã làm việc với tạp chí Giao Thông Vận Tải để xem xét các vấn đề liên quan. Ông PHAN HỮU MINH, Trưởng Ban kiểm tra VIẾT THỊNH ghi |