Điểm mới của phiên chất vấn lần này là thời lượng chất vấn đã được tăng lên (ba ngày so với trước đây 2,5 ngày) nhưng điều người dân kỳ vọng hơn là cùng với việc tăng thời lượng chất vấn thì chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được nâng lên hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh hàng loạt “điểm nóng” kinh tế-xã hội đang đặt rất nhiều câu hỏi bức bách về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trên nữa là Chính phủ.
Trách nhiệm sẽ ra sao khi nhiều nơi rừng phòng hộ bị phá vô tội vạ chỉ để thực hiện một dự án xa xỉ khi pháp luật không cho phép? Chuyện lá phổi Sơn Trà bị “chọc thủng” để làm các dự án kinh tế. Trách nhiệm sẽ ra sao khi những biệt phủ, biệt thự của quan chức hành pháp cứ phát sinh bất chấp pháp luật và minh bạch tài sản? Và câu chuyện “cả họ làm quan” vẫn là điều âm ỉ nhức nhối trong dư luận suốt thời gian qua.
Chưa hết, khi sinh mạng người dân vẫn bị đặt trong mê trận thực phẩm bẩn, trong khi nhiều kỳ Quốc hội đã nêu ra vấn đề này. Dẫu không có những phát ngôn “đường từ dạ dày ra nghĩa địa là con đường ngắn nhất” thì sức nóng của nó vẫn không nguội đi. Bản kiến nghị của cử tri đã đặc biệt quan tâm đến điều đó. Rõ ràng khó có thể nói rằng quản lý nhà nước vô can.
Hay như vụ việc tàu vỏ sắt của ngư dân mới đóng xong, đi có mấy mùa biển đã phải nằm bờ đặt ra hàng loạt bài toán rất lớn về công tác quản lý nhà nước. Bởi ngư dân, vốn là cột mốc sống trên biển, đảo chủ quyền đang gánh chịu thiệt thòi bởi những mưu toan, tắc trách. Một ngày những con tàu mang sứ mạng cao cả ra khơi là một ngày chủ quyền quốc gia được khẳng định thêm mãi.
Tất cả vấn đề đó phải được đặt ra một cách ngay thẳng với tinh thần vì lợi ích của người dân, của đất nước được đặt lên cao nhất từ những đại biểu mà nhân dân đã tin cẩn bầu nên.
Hy vọng rằng với phiên chất vấn kéo dài ba ngày cũng có nghĩa là trách nhiệm của các tư lệnh ngành sẽ được làm rõ hơn. Bởi chất vấn phải thực sự trở thành một kênh giám sát hiệu quả của quốc dân và là thước đo tín nhiệm của Chính phủ.