Ở đâu để bình yên đây khi ngay lúc say ngủ trong căn nhà của mình, người ta cũng không lường được cái chết đang chực chờ ngay ngoài cánh cửa?
Làm sao để tai nạn đó không xảy đến với mình? Làm sao để có thể bình tĩnh xử lý khi mình rơi vào hoàn cảnh đó? Làm sao để ngăn ngừa những vụ cháy rình rập mỗi ngày ở các khu chung cư?...
Sau vụ cháy khiến 13 người chết tại chung cư Carina Plaza vào rạng sáng 23-3, người dân ở các chung cư trên toàn thành phố đồng loạt kiểm tra các thiết bị cháy nơi mình ở... Nhưng tôi tự hỏi, liệu sự phòng bị đó có đảm bảo rằng những vụ cháy tương tự như vụ Carina sẽ không lặp lại?
Chẳng ai muốn mình bỏ tiền ra mua một căn hộ với đầy đủ tiện nghi để rồi sống trong sự sợ hãi và mất hết tất cả như vậy... Ảnh: NGUYỄN TÂN
Hiểm nguy rình rập khắp nơi
Người dân đã có sự đề phòng, nhiều lần phản ánh tình trạng của hệ thống báo cháy, đèn tín hiệu ở chung cư này nhưng mọi lời nói đó như gió thoảng mây bay, để rồi chỉ trong một đêm 13 người vĩnh viễn ra đi, 90 người phải nằm viện, hàng ngàn người khác mất tài sản, rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.
Làm lụng vất vả chỉ để mua được một căn hộ tươm tất, để rồi một ngọn lửa thiêu rụi tất cả... Người dân chưa có kỹ năng để thoát khỏi đám cháy, chưa bình tĩnh để xử lý tốt tình huống phát sinh. Phải tuyên truyền nhiều hơn, tổ chức thường xuyên các buổi tập huấn để bản thân mỗi người có thể tự cứu mình trước khi chờ người khác đến cứu.
Nhưng như thế cũng chỉ là một khâu để phối hợp trong cả chuỗi quy trình dài đảm bảo công tác phòng và chữa cháy. Nếu bản thân các nhà đầu tư, ban quản lý chung cư hoàn thành tốt mọi khâu về công tác này, đúng như trách nhiệm của mình thì cộng cả kỹ năng của người dân, mọi chuyện sẽ khác.
Chỉ sau một đêm, họ không còn nơi để về... Ảnh: NGUYỄN TÂN
Những người có trách nhiệm bảo an cho một nhóm cộng đồng cần nhìn lại, ở đây người dân đã phản ánh rồi, không phải chuyện "bất ngờ". Không chỉ người dân ở chung cư, cả những khu trọ, nhà hàng hay khách sạn, quán cà phê... bất cứ nơi đâu cũng có thể xảy ra tình huống tương tự. Sau vụ Carina, trong hai ngày qua cũng một loạt vụ cháy khác ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5), Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc.... Hiểm nguy rình rập ở bất cứ nơi đâu, nguyên do có thể cả thiên tai lẫn nhân họa.
Người già, trẻ em vạ vật ngủ nhờ ở tầng hầm một căn chung cư khác sau vụ cháy. Ảnh: NGUYỄN TÂN
Khung cửa mở và điều chưa tròn
Hệ thống báo động PCCC của chung cư Carina quá "xịn" đến mức người dân phát hiện rồi mà nó vẫn chưa phát hiện ra hỏa hoạn. Cánh cửa ngăn cháy thoát hiểm ở tầng hầm chung cư bị vô hiệu hóa một cách khó hiểu do một cục đá. Cửa mở nên khói ở tầng hầm mới xộc lên những tầng trên, biến cầu thang thoát hiểm thành một cái hộp đầy khói độc.
Có giả thuyết cửa do người dân tự chèn đá vào để đi lại cho dễ. Cho dù là vậy, nếu bảo vệ, kỹ thuật, quản lý khu nhà có đi kiểm tra, người dân có hiểu biết hơn phát hiện bất ổn đi báo lại, kịp thời nhắc nhở nhau... thì đâu đến nỗi.
Trong vụ này, mỗi mấu chốt nếu soi rọi kỹ sẽ thấy sự thiếu trách nhiệm của nhiều phía. Như đại diện ban quản lý chung cư bảo rằng hệ thống báo cháy vẫn đảm bảo và hoạt động bình thường; hay như cách họ phớt lờ đi phản ảnh của người dân từ trước đó; đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra dù có thường xuyên đến kiểm tra vẫn không nắm hết điều kiện PCCC của các khu chung cư ngay địa bàn mình quản lý... Từng phần trách nhiệm đã chẳng được trọn vẹn.
Có việc đùn đẩy trách nhiệm không?
Vốn lẽ, khái niệm về trách nhiệm cũng chẳng có gì cao siêu cả. Nó chỉ trở nên khó hiểu khi người ta đùn đẩy, trốn tránh. Trách nhiệm - chỉ đơn giản là người nào, đồ vật gì có chức năng gì thì thực hiện tốt chức năng đó. Ví như cái bát thì dùng để ăn cơm, chiếc xe thì dùng để chạy... Con người cũng cần tuân thủ để đồ vật có thể làm đúng vai trò và chức năng của nó.
Như kiểu, chẳng ai đi tắt hệ thống đèn tín hiệu báo cháy chỉ vì nó báo động giả nhiều quá. Một đơn vị PCCC ở địa phương thì phải làm tròn trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở. Ban quản lý chung cư thì phải có trách nhiệm với chính những con người đã gửi gắm sự an toàn của mình vào họ - không phải miễn phí mà có phí quản lý hẳn hoi.
Minh chứng rõ nhất về hai chữ trách nhiệm đó, xin dẫn lại lời của Lê Gia An (20 tuổi, bảo vệ ở chung cư này): “Mình là đàn ông, thanh niên, không thể nào thấy chết không cứu. Thà mình chết chứ không để cư dân chết vì đây là trách nhiệm của em".
Còn hành động thì xin nhắc đến một con người đã dũng cảm lao vào ngọn lửa để cứu người. Đó là ông Trần Văn An, 48 tuổi, đã hy sinh sau khi cứu 40 người dân trong vụ cháy đêm đó thoát nạn.
Chờ mong một câu trả lời rõ ràng và chính thức để những người dân chung cư có được giấc ngủ ngon trong căn nhà của họ.