Ngày 9-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ Nguyễn Văn Hết và đồng bọn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ba bị cáo có kháng cáo gồm: Hàng trước, các bị cáo Hết (áo trắng), Nguyện (áo sọc ngang) và Dung (hàng sau). Ảnh: NN
Bị cáo Hết kháng cáo cho rằng mình tham gia số vụ ít hơn so với án sơ thẩm quy kết, chỉ tham gia 10/36 vụ. Bị cáo Nguyễn Ngọc Nguyện và Hứa Thị Thùy Dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Hai bị cáo còn lại không kháng cáo.
Đồng thời, có hai bị hại VTY và ĐTK có kháng cáo xin được nhận lại số tiền đã đưa cho các bị cáo để lo chạy việc, chạy học cho con cháu của mình vào ngành công an. Trong đó bà V. đã đưa các bị cáo số tiền hơn 500 triệu đồng, bà K. đã đưa số tiền hơn 100 triệu đồng.
Ba bị cáo Hết, Nguyện, Dung nghe tòa phúc thẩm tuyên án ngày 9-11. Ảnh: NN
Tuy nhiên, HĐXX nhận định lời khai của bị cáo Hết lúc đầu tiên và lời khai của các bị cáo đồng phạm, bị hại và người liên quan đã chứng minh bị cáo là chủ mưu cầm đầu cả hai tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu. Bị cáo đã tham gia 27 vụ, chiếm đoạt số tiền hơn 2,3 tỉ đồng như án sơ thẩm quy kết là có căn cứ. Bị cáo từng công tác trong ngành công an nên có mối quen biết và lợi thế khi thực hiện hành vi lừa đảo. Cấp sơ thẩm phạt bị cáo 25 năm tù về hai tội danh trên là có cơ sở nên bác kháng cáo của bị cáo.
Bị cáo Nguyện được tòa sơ thẩm xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và mức án sơ thẩm đã tuyên 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phù hợp nên bác kháng cáo.
Bị cáo Dung tuy thực hiện hành vi có phần lệ thuộc vào bị cáo đầu vụ, hưởng lợi không nhiều. Mức án 30 tháng tù sơ thẩm đã tuyên là phù hợp. Theo Điều 60 BLTTHS thì bị cáo chưa đủ căn cứ hưởng án treo.
Đối với kháng cáo của bị hại, tòa cho rằng giao dịch giữa các bị hại với các bị cáo là trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến quy trình tuyển sinh, tuyển dụng của các trường, cơ quan công an nên tịch thu sung công như án sơ thẩm tuyên là có căn cứ.
Trước đó, xử sơ thẩm từ ngày 20 đến 22-12-2016, TAND TP Cần Thơ tuyên phạt Nguyễn Văn Hết 25 năm tù, Phong 12 năm tù, Hoài năm năm tù cùng về hai tội trên, Nguyễn Ngọc Nguyện 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Hứa Thị Thùy Dung 30 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc các bị cáo nộp lại số tiền gần 3 tỉ đồng chiếm đoạt của các bị hại (trong 35 vụ lừa chạy việc, chạy học, trừ một vụ lừa làm dịch vụ giấy tờ nhà) để sung công quỹ.
Năm bị cáo nghe tòa sơ thẩm tuyên án ngày 22-12-2016. Ảnh: NN
Theo cáo trạng, Hết làm giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt (trụ sở tại TP Cần Thơ). Năm 2014, biết một số người có nhu cầu làm việc trong ngành công an, học trường trung cấp cảnh sát, Hết nảy sinh ý định dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo.
Theo đó, Hết tự giới thiệu mình có quen biết với cán bộ Vụ Tổ chức - Bộ Công an có thể lo “chạy việc”, “chạy học” vào ngành công an. Hết cho các bị hại số điện thoại của mình nhưng nói đó là số của cán bộ Vụ Tổ chức - Bộ Công an để bị hại tự liên lạc.
Hết chỉ đạo Phong và Hoài (nhân viên công ty) cùng tham gia đóng giả cán bộ Vụ Tổ chức để nghe điện thoại, gặp bị hại hoặc đóng giả người nhà cán bộ Vụ Tổ chức để nhận tiền của bị hại... Giá mỗi vụ “chạy việc”, “chạy học” vào ngành công an 150-250 triệu đồng. Quá trình thực hiện tội phạm của các bị cáo còn có Nguyễn Ngọc Nguyện cùng tham gia.
Cuối cùng, Hết sao chụp lại quyết định nhân sự có thật trong ngành công an rồi yêu cầu Dung (nhân viên của công ty) soạn thảo các văn bản, xong đem cắt, ghép chữ ký, con dấu của ngành công an vào để làm ra các thông báo, quyết định tuyển dụng giả, giao cho các bị hại.
Từ tháng 7-2014 đến tháng 3-2015, Hết cùng các đồng phạm thực hiện tổng cộng 36 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng. Trong đó có 30 vụ lừa “chạy việc”, “chạy học” vào ngành công an, hai vụ lừa xin việc vào ngành bảo hiểm xã hội, một vụ lừa xin vào công ty xổ số, một vụ lừa xin việc vào bệnh viện, một vụ lừa chuyển việc trong bộ đội và một vụ lừa làm giấy tờ nhà, đất.