Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định lần lấy phiếu tín nhiệm sau sẽ tốt hơn |
Bên lề kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định với PV khi chia sẻ về chủ trương sửa đổi việc lấy phiếu tín nhiệm.
Ở nhiều nước, có khi chỉ vài tháng người ta đã tiến hành bỏ phiếu rồi. Chủ trương lấy phiếu và bỏ phiếu chúng ta có tham khảo kinh nghiệm từ các nước không, thưa ông?
Hiện chỉ có Việt Nam mới thực hiện lấy phiếu tín nhiệm. Ở nước ngoài họ bỏ phiếu bất tín nhiệm luôn. Còn chúng ta thì tiến hành lấy phiếu tín nhiệm cả Chủ tịch Quốc hội và cả Thường vụ Quốc hội.
Theo tổng hợp ý kiến thì có tới 20 đoàn đề nghị chỉ để 2 mức “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”. Luồng quan điểm này sẽ được xem xét như thế nào, thưa ông?
Chúng ta phải có sự phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu là để đánh giá xem uy tín của anh thế nào. Còn nếu là bỏ phiếu thì dứt khoát chỉ có 2 mức tín nhiệm hay không.
Quốc hội có yêu cầu các Bộ, ngành báo cáo kết quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm không thưa chủ nhiệm?
Đương nhiên là có.
Nhiều ĐB trong danh sách được lấy phiếu có nói việc viết và gửi báo cáo về những việc mình đã làm gặp khá nhiều khó khăn vì chưa có một quy chuẩn chung nào. Vậy tới đây chúng ta có đưa ra một mẫu chung cho các chức danh trong diện được lấy phiếu không?
Hiện đã có quy chuẩn rồi. Trong hướng dẫn có đề cương, có người viết dài, người viết ngắn trên cơ sở công việc của mỗi người. Chúng ta không bắt bí ĐB phải viết 5 hay 10 trang.
Sau lần lấy phiếu đầu tiên, cử tri cả nước đánh giá rất cao kết quả thu được. Tuy nhiên tới đây việc sửa đổi lại theo hướng giảm dần tần suất lấy phiếu (từ mỗi năm một lần sang mỗi nhiệm kỳ 5 năm một lần), và vẫn giữ nguyên ở 3 mức tín nhiệm khi lấy phiếu. Có ý kiến cho rằng điều này đang tạo ra nhiều nấc thang an toàn hơn cho người được lấy phiếu. Là đại biểu, ông nghĩ sao?
Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Đây cũng là việc chúng ta thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 4. Trong quá trình làm phải có sơ kết, tổng kết xem kết quả vừa qua có gì ưu, nhược để mà rút kinh nghiệm.
Ngay sau đó, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiến hành việc này, và đã tổ chức rất nhiều hội nghị rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó đã nhiều ý kiến đề nghị về mặt phiếu, hình thức phiếu, thời gian, đối tượng lấy phiếu… Chính thế mới phải báo cáo lại Quốc hội về quy trình lấy phiếu để có điều chỉnh cho phù hợp, cho tốt hơn, vì ta chưa làm bao giờ. Tôi tin rằng lần lấy phiếu sau sẽ tốt hơn.
Ông có lo ngại nếu tiếp tục lấy phiếu theo hướng này thì sẽ càng trở nên hình thức?
Tôi nghĩ rằng đã rút kinh nghiệm thì phải tốt hơn chứ. Cũng chính vì chúng ta lo 1 năm lấy phiếu 1 lần hình thức nên mới phải sửa đổi, cho người thuộc diện được lấy phiếu có thời gian khắc phục, sửa chữa, để phấn đấu. Vừa qua, việc sửa đổi Nghị quyết 35 chính là nhằm mục tiêu đó.
Vậy làm thế nào để việc lấy phiếu được thực chất hơn, thưa ông?
Không gì bằng một đại biểu được cả Quốc hội hay HĐND lấy phiếu, đánh giá anh thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Tự anh phải thấy hạn chế của mình để sửa.
Cái thứ hai không gì tốt bằng nhân dân. Người dân đánh giá lĩnh vực đó anh làm tốt chưa, nếu thấy đánh giá chưa tốt thì có ý kiến, đưa vào lấy phiếu thì kết quả thấp, cao chính là thể hiện sự đánh giá điều đó.
Nếu anh sửa chữa tốt thì đương nhiên lĩnh vực đó sẽ tốt lên, chứ làm gì có chuyện anh sửa không tốt mà tôi lại bỏ phiếu anh tốt được.
Xin cảm ơn ông!
Theo Thành Nam/Infonet