UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đề xuất của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án, xây dựng chương trình bồi dưỡng; tổ chức đào tạo bồi dưỡng...
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 bảo đảm 100% số giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương ở 3 cấp tiểu học, THCS và THPT sẽ được bồi dưỡng cơ bản về kiến thức Hà Nội học.
Cũng đến năm 2025, đề án bảo đảm 100% số sinh viên sư phạm được đào tạo tích hợp kiến thức Hà Nội học khi tham gia học tập tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Kinh phí thực hiện đề án lấy từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn hợp pháp khác. Ảnh: PHI HÙNG |
Theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Từ năm học 2020-2021, TP Hà Nội đưa môn này vào dạy thí điểm, sau đó dạy chính thức cho học sinh phổ thông.
Dù đã biên soạn xong tài liệu Giáo dục địa phương và bước đầu đưa vào giảng dạy, hiện nay Hà Nội chưa có đội ngũ giáo viên chuyên biệt để dạy môn này.
Kết quả bước đầu khảo sát ở một số trường cho thấy, giáo viên đang lúng túng về phương pháp lên lớp do thiếu tài liệu và đặc biệt chưa có kiến thức chuyên sâu về Hà Nội để chủ động dạy các đối tượng học sinh khác nhau.
Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã đề xuất đề án này, nhằm trang bị cho giáo viên kiến thức cơ bản trên mọi lĩnh vực của Hà Nội, qua đó truyền cảm hứng, khát vọng và tình yêu Hà Nội đến thế hệ trẻ, giúp các em hình thành ý thức trách nhiệm công dân với Thủ đô và đất nước.
Thời gian thực hiện đề án từ nay đến năm 2025, đối tượng là toàn bộ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường phổ thông của Hà Nội và sinh viên các ngành sư phạm đang học ở Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 16 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP và các nguồn hợp pháp khác.