Các máy bay quân sự Trung Quốc sẽ được phủ một lớp sơn mới giúp chúng "tàng hình" và thay đổi các dấu hiệu nhận dạng theo tiêu chuẩn mới, báo South China Morning Post ngày 23-3 đưa tin.
Dẫn thông tin từ báo PLA Daily của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), South China Morning Post cho biết các dấu hiệu trên máy bay như quốc kỳ và phù hiệu quân đội sẽ dần dần được tiêu chuẩn hóa cho tất cả máy bay đang có và các máy bay sẽ có trong tương lai của quân đội Trung Quốc.
Các máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc với lớp sơn phủ màu xám và khả năng tàng hình. Ảnh: CHINESE MILITARY
Động thái này được công bố sau hai năm thử nghiệm lớp sơn phủ màu xám (thay vì lớp sơn thông thường màu xanh xám) có khả năng tàng hình tốt hơn và phù hiệu mới trên dòng tiêm kích J-16.
Một số máy bay J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh thuộc biên chế hải quân Trung Quốc cũng đã được phủ lớp sơn mới này, theo trang web chính thức của PLA.
PLA Daily cho biết mục đích của động thái này là để tạo ra lợi thế chiến đấu khi các máy bay "sẽ ít bị phát hiện bằng cả mắt thường và bằng radar quân sự". Các hướng dẫn mới này sẽ dần được áp dụng trong năm nay.
Chuyên gia quân sự Hong Kong - ông Tống Trung Bình cho biết quốc kỳ Trung Quốc trên các máy bay quân sự có màu đỏ tươi còn phù hiệu trên máy bay dễ bị phát hiện, thậm chí là bằng mắt thường.
"Màu đỏ mà họ dùng thì nổi bật nhưng nó không phù hợp với các yêu cầu "tàng hình" cho tất cả dòng máy bay chiến đấu" - ông Tống nói.
"Tất cả dòng máy bay chiến đấu phải các năng lực tàng hình và khó bị phát hiện, lớp sơn phủ và dấu hiệu trên máy bay là một phần giúp chúng có thể làm được điều này và đạt được yêu cầu tác chiến" - ông Tống phân tích thêm.
Một chiếc máy bay chiến đấu J-11 với màu sơn xanh-xám cũ. Ảnh: THE DIPLOMAT
Trong khi đó, nhà quan sát quân sự Macao, ông Antony Wong Dong cho biết động thái này diễn ra khi Trung Quốc đang tiến hành nhiều cuộc tập trận ở biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và biển Đông.
Từ năm 2018, không quân và hải quân Trung Quốc đã điều các máy bay chiến đấu Su-35, máy bay ném bom H-6 và máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 tham gia các cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan. Tuy nhiên, tất cả máy bay vẫn sử dụng lớp sơn phủ và phù hợp cũ của không quân Trung Quốc.
Ông Wong cho rằng nhiều máy bay trong không quân của PLA chưa thay sang màu sơn và dấu hiệu mới "vì chúng vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp". Trong khi đó, lực lượng tác chiến trên không của Đài Loan đã học hỏi các đối tác phương Tây và chuẩn hóa lớp sơn phủ, dấu hiệu và thiết kế từ những năm 1990.
Ở biển Đông, Trung Quốc cũng thường xuyên theo dõi và phản ứng lại các hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ. Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền phi pháp ở biển Đông và vẽ ra "đường chín đoạn" vô lý bao trọn nhiều vùng biển giàu tài nguyên của các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Một nguồn tin trong quân đội Trung Quốc cáo buộc việc Mỹ điều thêm hàng trăm máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới F-35 tới Nhật Bản và Hàn Quốc đã buộc PLA phải nâng cấp lớp sơn phủ trên các máy bay của mình.
"Những lớp sơn này có bề mặt kỹ thuật cao và trong từng năm qua, Trung Quốc đã chi vô số nguồn lực để nghiên cứu nó" - nguồn tin này nói thêm.
Theo ông này, máy bay J-20 - tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc có công nghệ sơn phủ tiên tiến hơn so với dòng máy bay F-22 nhưng trình độ công nghệ không bằng dòng máy bay F-35 của không quân Mỹ.