Chính phủ yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

(PLO)-  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 3-8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác điều hành giá 7 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2023.

Khi kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đã nêu các ý kiến cụ thể liên quan đến quản lý giá đối với các mặt hàng xăng dầu, điện.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để sẵn sàng các biện pháp phù hợp. Đồng thời, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; không để thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung xăng dầu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 3-8. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 3-8. Ảnh: VGP

Việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu được lãnh đạo Chính phủ giao cho Bộ Công Thương từ cuối năm 2022, thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy cục bộ.

Thế nhưng việc chậm ban hành Nghị định xăng dầu sửa đổi khiến nhiều doanh nghiệp xăng dầu phản ứng, đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng.

Về nguồn cung xăng dầu thì dự kiến vào 25-8 tới đây, tức chỉ khoảng ba tuần nữa, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sẽ tạm dừng hoạt động gần hai tháng để thực hiện bảo dưỡng định kỳ.

Việc tạm ngừng sản xuất xăng dầu của Nghi Sơn được nhiều người quan tâm, vì đây là đơn vị cung cấp 35% thị phần xăng dầu trong nước. Do vậy, nếu không chuẩn bị tốt, thực hiện tốt các giải pháp thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.

Đối với mặt hàng điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo phương án giá điện cập nhật hàng quý năm 2023 để thực hiện giá bán điện theo quy định. Sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện...

Về dịch vụ giáo dục và vật tư giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể các yếu tố tác động, trên cơ sở đó đề xuất lộ trình, mức độ điều chỉnh phù hợp.

Về giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Quốc Phương đề nghị tạm thời chưa tăng giá giáo dục do có tác động đến CPI tương đối lớn, cần có lộ trình rõ ràng. “Khi sửa Nghị định 81, nên tính thời điểm điều chỉnh, vừa đảm bảo yếu tố điều hành giá, lạm phát, vừa nhận được sự đồng thuận của người dân”.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, học phí không tăng, sách giáo khoa phục vụ năm học 2023 - 2024 lớp 4, 8, 11 giảm 6% so với năm trước. Giá dịch vụ giáo dục và sách giáo khoa trong năm học này không tác động lớn tới CPI.

Nói về việc SGK mới có giá tăng so với giá SGK cũ, vị Thứ trưởng này cho biết, hai bộ sách khác nhau, cơ chế tài chính khác nhau. "Trước đây Nhà nước bao cấp là kinh phí của Nhà nước, bây giờ là do doanh nghiệp biên soạn".

Cho biết Bộ vẫn sửa đổi Nghị định 81 và chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo hướng không tăng học phí năm học 2023 - 2024, song ông cũng chia sẻ “chưa tăng theo lộ trình để góp phần kiềm chế lạm phát và kiểm soát CPI nhưng tác động tiêu cực sẽ nhiều hơn”.

Diễn giải điều này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học tự chủ, đơn vị tự chủ thường xuyên, tự chủ 100% đã hết nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm