Chiều qua, 30-10, ĐB Phạm Thị Thanh Thủy - Thanh Hóa đã chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. ĐB Thủy đề cập đến báo cáo của chánh án.
Theo đó, báo cáo nêu đến ngày 30-9, toàn ngành không còn vụ án hành chính quá hạn do lỗi chủ quan của tòa án. Tuy nhiên, tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết số 111 của Quốc hội đề ra. Vẫn còn các bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn trong công tác thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
“Đề nghị chánh án TAND Tối cao cho biết các giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới để khắc phục được những tồn tại, hạn chế trên. Đặc biệt là việc giải quyết các vụ án liên quan đến khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến quản lý đất đai”, ĐB Thủy chất vấn.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: Khi có bản án bất lợi thì chính quyền các cấp thường kháng cáo, không thực hiện
Trong ít phút trả lời theo quy định của Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, chủ yếu liên quan đến đất đai và là các vụ việc rất khó. Tồn tại của án hành chính rất nhiều, chủ yếu ở các thành phố lớn và các khu công nghiệp.
“Bên cạnh những hạn chế của tòa án như đã nêu, nguyên nhân chủ yếu là sự vắng mặt của các cơ quan hành chính tại các phiên tòa. Khi xử vắng mặt, bản án bất lợi cho chính quyền thì chính quyền kháng cáo, không thực hiện”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng nêu lên các giải pháp, trong đó có việc đề cao trách nhiệm của tòa án, bố trí thẩm phán có năng lực cho các tòa hành chính, tuyên truyền pháp luật.
“Đối với UBND các cấp, chúng tôi đề nghị phải chấp hành các quy định của luật và chỉ thị của Thủ tướng. Tham gia các phiên đối thoại trong các vụ án hành chính. Thường chính quyền không tham gia các phiên đối thoại này. UBND các cấp cũng cần có mặt tại tòa theo đúng thành phần. Thường các đồng chí hay vắng mặt vì bận rộn. Ngoài ra, UBND các cấp cũng nên thi hành án cho nghiêm túc” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Quốc hội “cần tổng kết lại việc thi hành các luật liên quan đến hành chính”.
“Có thể có điều gì đó chưa hợp lý chăng? Nhiều địa phương phản ánh, chẳng hạn nếu tất cả các vụ án hành chính mà chủ tịch UBND phải có mặt tại tòa thì phải xem xét lại”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.