Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận, đã bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng các chất cấm vào trong thực phẩm. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành vi bỏ chất cấm vào thực phẩm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Theo điểm a, khoản 1 Điều 317 BLHS quy định như sau:
Người nào sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết đó là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
Trường hợp chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 115/2018. Tùy từng hành vi cụ thể mà người vi phạm bị xử lý như sau:
Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm: Nếu sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm thì bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ một tháng đến ba tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm.
Vi phạm quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong sản xuất, chế biến thực phẩm: Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ một tháng đến ba tháng đối với vi phạm.
Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm: Nếu sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá dưới 10 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trường hợp sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ ba tháng đến năm tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.