Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, lượng thịt nóng không đáp ứng đủ cho người tiêu dùng nên nhiều người chuyển sang sử dụng thịt đông lạnh. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Nhiều nơi bán thực phẩm đông lạnh nhưng không có nhãn mác. Ảnh: NGUYÊN VÕ
Thịt không nhãn mác tràn lan
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều nơi bán thịt đông lạnh nhưng lại không ghi hạn sử dụng. Thậm chí còn không có thông tin chi tiết về nguồn gốc sản phẩm, điều này làm không ít người tiêu dùng lo lắng.
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (quận Tân Phú, TP.HCM): do dịch bùng phát nên tôi thường đặt thịt đông lạnh trên các trang mạng xã hội. Thường là giá thịt đông lạnh sẽ rẻ hơn so với thịt nóng. Nhưng điều đáng lo ngại là nhiều nơi bán thịt lại không có tem, nhãn gì trên sản phẩm.
“Tôi đặt thịt nhiều lần, nhưng có lần thấy thịt hơi cũ thì mở ra trên sản phẩm không ghi hạn sử dụng, cũng không ghi ngày sản xuất. Có nhiều lần, mua năm túi thịt thì có đến ba túi không có nhãn hiệu, nên không rõ nguồn gốc xuất xứ của thịt là ở đâu. Điều này cũng khiến rất nhiều người tiêu dùng lo lắng”- chị Ánh chia sẻ.
Chị Phan Thanh Trúc (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “do khó mua thịt nóng trong mùa dịch này, nên tôi thường xuyên đặt hàng thịt đông lạnh, giá thành rất rẻ, nếu mua sỉ giá lại càng rẻ hơn. Nhưng nhiều lần tôi mua phải thịt nhưng hoàn toàn không có bất cứ nhãn mác nào. Điều này thật sự khiến tôi rất lo lắng vì sợ thịt đã quá lâu, ăn nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Không nên mua sản phẩm trôi nổi
Nếu sử dụng những thực phẩm đông lạnh không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, người tiêu dùng cần lưu ý trước khi khi mua sản phẩm thịt đông lạnh:
Cụ thể, những sản phẩm thịt đông lạnh phải được bao gói đáp ứng các quy định về ghi nhãn, đảm bảo các thông tin cơ bản: Tên cơ sở, địa chỉ cơ sở, tên sản phẩm, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, nhiệt độ bảo quản, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu.
Không nên mua sản phẩm thịt đông lạnh không rõ nguồn gốc, không bao bì, nhãn mác, không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Sản phẩm thịt đông lạnh phải được bảo quản ở nhiệt độ -180 độ C. Trường hợp mua lẻ sản phẩm cần đến những cơ sở có kinh doanh thực phẩm có trang thiết bị bảo quản đáp ứng về nhiệt độ và an toàn thực phẩm…
Vì vậy, khi mua sản phẩm thịt đông lạnh, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ tất cả những thông tin xung quanh sản phẩm, tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, hàng không nhãn mác và các lưu ý sử dụng và chế biến an toàn. Đồng thời, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người tiêu dùng cần thông báo đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.
Bán hàng không nhãn mác sẽ bị phạt Luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo Nghị định 43/2017 thì hàng hóa là lương thực, thực phẩm nội dung bắt buộc phải thể hiện “Ngày sản xuất”, “Hạn sử dụng” và nhiều nội dung khác thể hiện chi tiết tại Phụ lục số 1 kèm theo. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Trường hợp hàng hóa không có nhãn mà theo quy định phải có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi, theo Điều 31, Nghị định 119/2017 thì bị xử phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này đến 60 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng. |