Cho mượn xe máy, chủ phương tiện bị dính phạt nguội

(PLO)- Bạn đọc ủng hộ việc Cảnh sát giao thông phạt nguội xe máy nếu người điều khiển phương tiện vi phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo Pháp Luật TP.HCM vừa có bài viết "TP.HCM: Nhiều chủ xe máy bất ngờ khi nhận thông báo phạt nguội" nhận được rất nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của bạn đọc. Nhiều độc giả nêu quan điểm nên phạt nguội xe máy nếu người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, giảm áp lực cho Cảnh sát giao thông (CSGT).

Bạn đọc cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để người tham gia giao thông thuận tiện, an toàn hơn.

Cho mượn xe rồi dính phạt nguội

Bạn đọc 2056030136 chia sẻ cách đây một tháng, bạn bất ngờ nhận được giấy phạt nguội vì chạy quá tốc độ. Tương tự, bạn đọc Minh Tú tự trách vì đã cho người quen mượn xe máy rồi bị dính phạt nguội mà không biết tại sao.

Bạn Minhhoangle636a bình luận "hiện đã có phạt nguội sẽ không cần cảnh sát giao thông đứng chốt hay dùng mô tô tuần tra, giảm cãi cọ với người vi phạm."

phạt nguội xe máy
Một số người dân cho biết sau khi cho người thân mượn xe máy, chủ phương tiện nhận thông báo dính phạt nguội. Ảnh: NHƯ NGỌC

Độc giả Chunghongduc88 rất ủng hộ hình thức này vì cho rằng phạt nguội để tránh tiêu cực. "Có nhiều cách để thu phạt mà nhiều nơi trên thế giới đã làm được, TP.HCM cần học hỏi thôi" - bạn nói.

Trong khi đó, độc giả Long Nguyen góp ý: TP.HCM cần phạt mạnh tay đối với người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại, chạy xe trên hè phố, dừng không đúng vạch, gắn biển không đúng quy định úp biển số trong sườn xe máy.

Phòng CSGT, Công an TP.HCM (PC08) cho biết trong quý I-2024, PC08 đã xử phạt 30.947 trường hợp vi phạm về tốc độ, dừng đỗ, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu.

Trong đó, riêng xe máy đã có hơn 16.500 trường hợp vi phạm đã được PC08 gửi giấy phạt nguội về địa chỉ nhà. Thời gian tới, PC08 sẽ tiếp tục tăng cường phạt nguội người điều khiển phương tiện bao gồm cả xe máy ở TP.HCM

Tăng cường phạt nguội xe máy

Bạn đọc Hải Yến nhận xét xe máy mới là loại xe gây nhức nhối nhất khi tham gia giao thông, đặc biệt khi người điều khiển là thanh thiếu niên lưu thông rất bất cẩn. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, CSGT cũng nên phạt những xe máy dừng đỗ vô tội vạ ở những khu chợ tự phát...

Bạn Huyền Trần Thị Thu bình luận: "TP.HCM cần phát huy tốt việc phạt nguội, giảm vi phạm và góp phần giảm tải cho lực lượng CSGT."

Trong khi đó, bạn đọc Liem Phan Thanh thắc mắc: "Hiện tại có rất nhiều trang web để kiểm tra xem xe máy của mình có bị dính lỗi phạt hay không nhưng không biết có chính xác hay không? Nếu có trang web hay app có thể tự kiểm tra và có độ chính xác tuyệt đối thì hay quá, vì lúc đó mình sẽ biết đang bị vi phạm lỗi nào để rút kinh nghiệm."

xe-chay-nguoc-chieu-21.jpg
Hiện nay rất nhiều người dân cố tình chạy ngược chiều, vi phạm luật giao thông. Ảnh: Như Ngọc

TP.HCM nên gắn thêm nhiều thiết bị để nhiều ngã tư đèn xanh đèn đỏ trở nên thông minh. Khi bên kia ít xe hay vắng xe thì đèn đỏ bên này phải tự động bật lên đèn xanh để cho dòng xe đang chờ đèn đỏ lưu thông. Từ đó, giúp các phương tiện được lưu thông nhanh rút ngắn thời gian chờ đợi vô ích. Hiện một số ngã tư ở TP.HCM áp dụng nhưng số lượng còn ít quá, cần phải nhân rộng tất cả nhất là với các ngã tư, ngã ba lớn có lượng xe lưu thông lớn.

Bạn đọc Gh956264

Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng

Bạn đọc Duc Minh lập luận "luật quy định đèn đỏ phải dừng lại, người tham gia giao thông dù nửa đêm không một bóng người vẫn phải dừng lại khi đèn đỏ, đó chính là ý thức. Vì vậy phạt nguội là cần thiết, song cần phải nâng cấp hạ tầng đô thị để tiến hành phạt được chính xác và hợp lý."

Bạn Huu Minh Nguyen nhìn nhận giao thông Việt Nam là dạng xương cá, nhiều giao lộ, nhiều đèn đỏ nên người dân đi lại khá trở ngại. "Tôi mong đường sá được mở rộng hơn, ít đèn giao thông như ở các nước phát triển" - bạn nói.

Bạn đọc Đình Chiến cũng lưu ý: "Khi hạ tầng dữ liệu chưa chuẩn mà áp dụng phạt nguội dễ dẫn đến bất cập."

Cần chứng minh được người điều khiển phương tiện ở thời điểm vi phạm

Luật sư Nguyễn Sa Linh - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết căn cứ khoản 8 Điều 80 Nghị định 100/2019, đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý thì cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm. Chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Theo Luật sư Sa Linh, đa phần người dân đều khó chứng minh được việc mình không điều khiển phương tiện, còn trường hợp chứng minh được thì người mượn (thuê) xe cũng sẽ bị xử phạt đúng theo quy định, mức phạt đưa ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm