Nghe tin phóng viên có nhu cầu đặt hàng vài con bò sát “độc” về nuôi, một người tên Tâm ở đường Sư Vạn Hạnh (quận 5, TP.HCM) ngỏ lời: “Anh muốn kiếm bò sát “độc” theo dạng nào: “độc” đáo hay “độc” chết người em cũng kiếm được”.
Ra nước ngoài “săn” kỳ nhông
Tâm kể: “Vừa rồi em mới sang Thái Lan mua hai con cự đà Nam Mỹ thuộc dòng Albino, mỗi con dài tầm 1 m, một cặp giá 28 triệu đồng...”.
Tâm cho biết thêm: “Cặp cự đà (kỳ nhông) này do một đại gia ở quận 3 đặt hàng với giá 40 triệu đồng. Em chỉ mua kèm thêm vì mỗi lần đi lại rất tốn kém. Phải đi máy bay qua Thái Lan, vận chuyển về Campuchia bằng đường biển rồi mới theo đường bộ về VN. Em chỉ mang dưới dạng xách tay, ai đặt hàng thì mình sang đó mua về”.
Chỉ cần đặt hàng trước hai tuần thì khách muốn sở hữu loài bò sát nào Tâm cũng có thể kiếm được. Các dòng như nhện cảnh Tarantula, rắn cảnh, rùa, rồng Úc, cự đà, ếch Pacman là những loài rẻ tiền và được chơi khá phổ biến ở TP.HCM từ năm 2007 tới nay. Giá của chúng dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Các loài như Rhino igu, blue cayman igu, red tegu… có giá trên 10 triệu đến vài chục triệu đồng/con. Đặc biệt, những loài bị bạch tạng gọi là Albino có giá cao gấp 10-100 lần so với con bình thường. Tùy theo độ dài và vẻ đẹp, sự khỏe mạnh của con vật mà có con có giá cả tỉ đồng. Tâm tiết lộ mới tháng rồi có một đại gia ở quận Phú Nhuận tuyển về từ Trung Quốc một con kỳ nhông mào với giá 200 triệu đồng.
Một người tên Nghĩa, chủ quán cà phê Thú Cưng (Pet coffee) ở quận Đống Đa (Hà Nội), kể năm năm trước, sau một lần đi du lịch nước ngoài và mua được một con trăn cảnh, anh trở thành người chơi thú cảnh ngoại lai và thành lập quán Pet coffee. Đây cũng là sân chơi chính cho hội thú cưng Hà Nội. Nguồn hàng chủ yếu được nhập về từ Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc.
Một con rắn ball python được mua về từ Thái Lan với lời quảng cáo hiền lành không cắn người có giá 7 triệu đồng. Ảnh: HG
“Độc” đúng nghĩa
Bên cạnh nhiều tay chơi đam mê tìm kiếm những loài thú cưng độc đáo, mới lạ, cũng có người lại say mê săn tìm những loài bò sát có nọc độc chết người. Tâm cho biết bản thân mình cũng đang sở hữu một con rắn đuôi chuông sa mạc với giá hơn 20 triệu đồng. Lúc nào “nhớ” quá Tâm mới lôi ra ngắm một mình, bố mẹ Tâm cũng không hề biết đang có rắn độc trong nhà mình.
Quang - một người mê bò sát “độc” ở quận Tân Bình cũng đang sở hữu một con rắn hổ mang chúa trong nhà. “Riêng con này, chỉ cần nước miếng nó dính vào bộ phận nào của cơ thể mình thì chỗ đó tím tái. Vậy nên lúc chơi phải hết sức cẩn thận” - Quang nói.
“Rắn hổ mang chúa, rắn đuôi chuông sa mạc chỉ được một số tay chơi cá biệt ưa thích. Còn trong danh sách các loài thú cưng của thế giới không có những loại độc chết người như thế. Họa hoằn lắm mới có một vài con như bò cạp hoàng đế có độc tố mạnh hơn ong vò vẽ một chút. Tuy nhiên, nếu bị cắn, người có kháng thể yếu hoặc bị dị ứng, không chữa trị kịp thời cũng có thể chết. Hoặc như nhện Tarankula thường phóng lông, nếu lông của nó trúng vào tay thì người chơi sẽ bị ngứa, còn trúng vào mắt thì dễ bị mù. Một số loại khác như lươn điện, cá đuôi gai, rắn lục cườm cũng có nọc độc và khả năng làm chết người cao nhưng không phổ biến, chủ yếu săn được từ mối quen” - một người chơi thú cưng cho hay.
Buôn bán tràn lan
Một người chơi thú cưng ở TP.HCM tiết lộ một số con có giấy khai sinh hẳn hoi, ghi rõ tên trại nuôi, giá thành, ngày sinh và được gắn chip nên chỉ cần kiểm dịch là có thể vận chuyển bằng đường hàng không hay tàu về VN.
Tại TP.HCM, việc buôn bán các loài thú chơi “độc” này chưa được cấp phép. Dù vậy, người chơi vẫn dễ dàng sở hữu bất kỳ con thú cưng nào. Tại Pet shop (cửa hàng thú cưng) HĐM trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận) cũng chưng bán đủ loài thú ngoại lai: tắc kè báo, kỳ đà sa mạc... Giá một con thú cưng ở đây mắc nhất cũng chỉ 5 triệu đồng. Nếu muốn đặt hàng đặc biệt thì phải liên hệ trước.
Nghiêm cấm nhập động vật ngoại lai không rõ nguồn gốc Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM rất quan tâm tới các động vật ngoại lai du nhập vào TP. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã giao cho Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp này. Ông NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG, Nguy hiểm nếu để sổng ra môi trường tự nhiên Những động vật ngoại lai dù quý hiếm hoặc không quý hiếm cũng chỉ được nuôi nhốt khi đã được cơ quan chức năng của VN cấp phép. Nếu những động vật ngoại lai này sổng ra ngoài có thể sẽ đe dọa môi trường sống của các loài động vật bản địa. Chúng có thể cạnh tranh thức ăn, chiếm nơi cư ngụ hoặc ăn thịt những loài động vật bản địa. Bài học đắt giá là VN từng bị nạn ốc bươu vàng và rùa tai đỏ. Đó cũng là những động vật được nhập vào để làm cảnh… Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) HUYỀN VI ghi |
HÀN GIANG