Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, khu cách ly ở huyện Củ Chi hiện nay giống như mô hình điểm. Trong tuần này, đoàn chuyên gia của Mỹ sẽ đến thăm khu cách ly này cũng như thăm BV Bệnh nhiệt đới và BV Nhi đồng TP.
Tính đến phương án cách ly cả một phường, một quận
Sáng 6-3, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trên thế giới, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm chủ trì cuộc họp về tình hình dịch trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết đến nay ngành y tế TP đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
TP đang tiếp tục chuẩn bị các khu cách ly tập trung mở rộng ở huyện Củ Chi và đang dự kiến tiếp tục thực hiện thêm khu cách ly tập trung ở huyện Cần Giờ.
Thậm chí BV Cần Giờ, theo ông Bỉnh, nếu cần thiết sẽ thiết lập cả phòng áp lực âm. Huyện Cần Giờ với đặc điểm dân số ít và là nơi có điều kiện địa lý có thể cách ly điều trị bệnh trong tình huống dịch bệnh xảy ra.
Theo ông Bỉnh, bài học chống dịch từ Trung Quốc là phải cách ly triệt để, khi phát hiện ra trường hợp bệnh thì truy tìm người có tiếp xúc để cách ly luôn.
“Tất cả giải pháp đều khó có thể triệt để nhưng nếu nỗ lực sẽ hạn chế tối đa để dịch không bùng lên, (nếu mà) bùng lên là vỡ trận” - ông Bỉnh nêu quan điểm.
Về các phương án cách ly, theo ông Bỉnh, nếu có ca bệnh phát hiện ở cao ốc thì cách ly cao ốc, thậm chí là cả những cao ốc gần đó. Nếu quy mô các ca nhiễm lớn hơn thì thậm chí có thể phải cách ly cả một phường, một quận.
Tất cả phải có kịch bản để ứng phó trong mọi tình huống, vì theo ông Bỉnh, với dịch COVID-19 thì “chủ quan là tự sát”.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm lưu ý về việc người đàn ông Nhật Bản nhiễm COVID-19 và sáu hành khách cùng chuyến bay nhập cảnh Tân Sơn Nhất. “Dù chúng ta đã xử lý kịp thời và cho cách ly hết nhưng vẫn còn lo. Phải tuyệt đối không được chủ quan, không sơ suất với tinh thần chống dịch như chống giặc” - ông Liêm nói.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đến sáng 6-3, TP không còn người nhiễm COVID-19, bốn trường hợp nghi nhiễm bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện có 345 người được cách ly ở các khu tập trung huyện Củ Chi, Nhà Bè, quận 7 và 222 người được theo dõi tại các khu cách ly tuyến quận, huyện; 526 người đang theo dõi tại nhà.
Bệnh viện dã chiến TP.HCM ở huyện Củ Chi đang tiếp nhận một trường hợp cách ly. Ảnh: TRẦN NGỌC
Khai báo y tế bắt buộc mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam
Từ 6 giờ sáng 7-3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng cùng ngày (6-3). Để thuận tiện, bên cạnh hình thức khai giấy, hành khách có thể khai báo y tế bắt buộc bằng hình thức điện tử ngay trước khi thực hiện chuyến đi đến Việt Nam.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các nhà mạng viễn thông và các công ty công nghệ thông tin đã nỗ lực nghiên cứu, hoàn thiện quy trình và ứng dụng khai báo y tế điện tử bắt buộc rất đơn giản, thuận tiện.
Việc khai báo y tế bằng hình thức điện tử tại website http://suckhoetoandan.vn/khaiyte.
Đồng thời, ban chỉ đạo cũng bàn thảo về việc huy động cơ sở vật chất của lực lượng công an, phối hợp cùng với quân đội chuẩn bị thêm các địa điểm tổ chức cách ly tập trung, trong đó có các cơ sở cách ly cho người nước ngoài.
Bên cạnh đó, các thành viên ban chỉ đạo cũng thống nhất triển khai các đội cơ động quân dân y kết hợp để kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức cách ly tại các doanh nghiệp…
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ ban hành các hướng dẫn chi tiết, cụ thể đối với các khách sạn, cơ sở lưu trú được sử dụng để cách ly tập trung; cách ly tại các doanh nghiệp, nhà máy...
Cho phép Đà Nẵng xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký quyết định cho phép TP Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19). Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng thực hiện xét nghiệm COVID-19 và báo cáo theo quy định hiện hành. Khi phát hiện trường hợp dương tính hoặc nghi ngờ COVID-19, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cần chuyển ngay mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Sáng 6-3, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đến 8 giờ cùng ngày, trên địa bàn TP ghi nhận hai trường hợp người Việt Nam nghi ngờ mắc COVID-19. TP cho ra viện một trường hợp người Czech nghi ngờ mắc nhưng đã có kết quả âm tính với COVID-19. WHO: Các nước nên học Việt Nam Bà Maria van Kerkhove, quan chức chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, mới đây kêu gọi các nước áp dụng tất cả biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh. |