Những hành động ấy được liệt kê cụ thể trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII (kỳ họp 11, khai mạc vào hôm qua, 21-3): Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực…
Việc quân sự hóa biển Đông, việc hành hung, cướp phá ngư dân Việt Nam của Trung Quốc khó có thể chấp nhận trong bối cảnh thế giới văn minh không còn coi quân sự hay các hành động bạo lực là cách ứng xử nhân đạo và hòa bình.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mới đây trong buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên các cơ quan Trung ương Cục Miền Nam đã cảnh báo: “Ở biển Đông, chúng ta phải luôn thấy rõ sự bành trướng của Trung Quốc không dừng lại”. Và rằng “nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, muốn xây dựng đất nước nhưng chúng ta không thể ngồi yên trước sự bành trướng của họ”.
Lòng tin đối với những tuyên bố về sự trỗi dậy hòa bình với thế giới, về sự hòa hiếu mà các cấp lãnh đạo Trung Quốc đã từng phát biểu ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với các quốc gia khi họ đã không làm như lời mình nói. Trong buổi tiếp đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ XII (ngày 29-1), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục chuyển đi thông điệp của Việt Nam rằng: “Hai bên cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông bằng hành động cụ thể, thiết thực trên tinh thần nói đi đôi với làm”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng tuyên bố rất mạnh mẽ rằng: “Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông…”.
Lòng dân, từ lâu lắm rồi, đều luôn mong muốn có những quyết sách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn đối với vấn đề thiêng liêng là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhân dân không mơ hồ trong vấn đề chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ với thông điệp gửi tới QH kỳ họp này rất rõ là: Cử tri và nhân dân đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân.
“Quyết liệt và hiệu quả hơn”, yêu cầu này cần phải được thực hiện, vì đó là “lòng dân”. Xét cho đến cùng, “lòng dân” là nền tảng của “ý đảng”. Vì thế, “quyết liệt và hiệu quả hơn” trong vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc phải được coi là mệnh lệnh từ lòng dân.