Sáng 6-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902– 6-9-2022), tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Trước lúc diễn ra Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: NTV |
Cùng tham dự có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đại diện dòng họ, người thân cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. “Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Hồng Phong, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Nghệ An, chúng ta càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay” - ông Qúy nói.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện dòng họ Lê dâng hoa, dâng hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: NTV |
Theo Bí Thư Tỉnh ủy Nghệ An, học tập, noi gương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trước hết là học tập lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự nhanh nhạy và lòng nhiệt thành với lý tưởng cách mạng, kiên định với Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.
Nghệ An trọng thể tổ chức Kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: NTV |
Phát huy truyền thống của quê hương Xô viết anh hùng, học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và lớp lớp các thế hệ tiền bối cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã kiên trì, bền bỉ, vượt qua khó khăn, thử thách và có nhiều đóng góp quan trọng qua các thời kỳ cách mạng. Góp phần cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh...
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, em Võ Thị Phương Trang, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong, cho hay tuổi trẻ Nghệ An luôn vững tin đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
"Chúng em sẽ luôn xung kích, tình nguyện, sáng tạo, hội nhập, mang khát vọng cống hiến, quyết tâm cùng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân sớm đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững" - em Phương Trang nói.
Ông Thái Thanh Quý, Bí Thư Tỉnh ủy Nghệ An, đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đ.AM |
Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương xứ Nghệ, người thanh niên giàu nhiệt huyết, bản lĩnh kiên cường đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha anh dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.
Bốn mươi tuổi đời, gần 20 năm hoạt động liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Chương trình nghệ thuật tại lễ kỷ niệm tái hiện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng oanh liệt, sôi nổi của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Ảnh: Đ.LAM |
Sau nhiều năm hoạt động sôi nổi, năm 1940, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai tại quê hương, rồi đưa vào giam ở Khám Lớn (Sài Gòn) và bị kết án năm năm tù, đày ra Côn Đảo.
Tại đây, sau nhiều tháng ngày bị tra tấn dã man, sức khỏe suy kiệt, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong trút hơi thở cuối cùng vào trưa 6-9-1942.
Trước khi hy sinh, cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhắn lại: “Nhờ các đồng chí báo cáo với Đảng rằng tới phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.