Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội sẽ được lấy phiếu tín nhiệm

(PLO)- Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6, khai mạc tháng 10-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của QH năm 2023. Một trong những nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm là việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức danh do QH bầu, phê chuẩn.

Các chức danh do QH bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch QH, Ủy viên Thường vụ QH, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh QH phê chuẩn, gồm Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tại hội nghị sáng nay, Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường đề nghị các đại biểu QH trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn để cho ý kiến công tâm, khách quan tại kỳ họp.

Cùng với đó, Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký QH để tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giám sát. Ảnh: QH

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường trình bày báo cáo giám sát. Ảnh: QH

Đối với hoạt động chất vấn, Tổng Thư ký QH sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, các Đoàn đại biểu QH, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để phục vụ tốt hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp QH, phiên họp UBTVQH trong thời gian tới, trong tất cả các khâu.

Bên cạnh đó, đề xuất nhóm vấn đề chất vấn, tổng hợp thông tin, những vấn đề "nóng" về kinh tế - xã hội, dự kiến nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn.

Tổng Thư ký QH Bùi Văn Cường đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan mình trước QH, trước nhân dân về vấn đề mình phụ trách.

Người trả lời chất vấn phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, phải đối thoại, thảo luận với các đại biểu để cùng giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của nhân dân, thảo luận những vấn đề mà xã hội đặc biệt quan tâm để đưa ra các biện pháp, giải pháp tháo gỡ, các cách thức ứng phó kịp thời đối với những vấn đề có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước...

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ kết luận hội nghị. Ảnh: QH

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ kết luận hội nghị. Ảnh: QH

Kết luận hội nghị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của QH, UBTVQH là vấn đề đã và đang được QH, UBTVQH thực hiện. Việc này được thể hiện thông qua những thay đổi trong tư duy và cách làm nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách. Việc giám sát phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt; đánh giá cân bằng, khách quan. Từ đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

QH luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của QH phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu QH phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri. Từ đó để thực sự “mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp trong hoạt động QH” như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, QH khóa XV

Bị quá nửa đại biểu QH "tín nhiệm thấp" có thể từ chức

QH lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, với ba mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Theo quy định hiện hành, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội được tiến hành vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ.

Đối với những người giữ các chức danh do QH bầu, phê chuẩn, nếu có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu QH trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì UBTVQH trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm (tín nhiệm, không tín nhiệm), làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm.

Giám sát tối cao nguồn lực phòng, chống COVID-19

Cũng trong năm 2023, QH sẽ giám sát tối cao hai chuyên đề: "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" và "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".

UBTVQH giám sát hai chuyên đề: "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021".

Với chuyên đề về sách giáo khoa, tám tỉnh thành được đề xuất giám sát gồm Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Lai Châu, Đăk Nông, Bình Định, Bình Phước, Sóc Trăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm