Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu không có cơ chế vượt trội, làm 510 km Metro ở TP.HCM sẽ mất 'hàng thế kỷ'

(PLO)- Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM cần có cơ chế vượt trội, bởi nếu làm theo quy trình đầu tư công thì phải mất hàng thế kỷ mới làm xong 510 km đường sắt đô thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-8, ngay sau buổi làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội và Nghị quyết 98/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ 4 Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Nếu không có cơ chế vượt trội, làm 510km metro sẽ mất 'hàng thế kỷ'-chu-tich-phan-van-mai-3.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định cần có cơ chế đặc thù vượt trội để làm đường sắt đô thị. Ảnh: THUẬN VĂN

Nêu ý kiến về việc thực hiện hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết thực hiện Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị, Thành ủy TP.HCM đã thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TP, mời tổ tư vấn là các chuyên gia trong và ngoài nước để góp ý cho đề án.

Đề án cũng đã được trình cho Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND TP và hiện đang phối hợp với Hà Nội, Bộ GTVT để hoàn thiện hồ sơ, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, dự kiến đến năm 2035, TP.HCM sẽ xây dựng thêm 183 km đường sắt đô thị, lúc đó năng lực vận tải công cộng của đường sắt đô thị chiếm 15-20%.

Đến năm 2045, TP có thêm 168 km, nâng chiều dài đường sắt đô thị lên 352 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 40-50%. Đến năm 2060, hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM với tổng chiều dài là 510 km, năng lực vận tải công cộng chiếm 50-60%.

Ông Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM xác định nguồn vốn trong nước và đầu tư công là chủ yếu. Cụ thể, đến năm 2035, TP cần khoảng 36 tỉ USD, năm 2045 cần 33 tỉ USD và năm 2060 cần 48 tỉ USD.

Số tiền này được huy động nguồn đầu tư công của TP bằng cách bố trí hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi, đồng thời, nguồn từ khai thác quỹ đất, Trung ương hỗ trợ qua các dự án trọng điểm và nguồn từ vay trái phiếu chính quyền địa phương, trả từ các nguồn thu từ ngân sách TP.

chu-tich-phan-van-mai-2.jpg
Sau buổi làm việc với TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Đông Nam Bộ lần thứ tư. Ảnh: THUẬN VĂN

Để triển khai đề án này, Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM cần có cơ chế vượt trội trong xây dựng đề án, giải phóng mặt bằng, huy động vốn và quản lý. TP dự kiến trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết với 16 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, chín cơ chế thuộc Chính phủ.

“Nếu chúng ta cứ làm theo quy trình đầu tư công thì làm 20 km sẽ mất 20 năm, như vậy 510 km này phải mất hàng thế kỷ” – ông Mãi nói.

Liên quan đến dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết các vướng mắc lớn là cát xây lắp, giải phóng mặt bằng và tiến độ của một số hạng mục.

Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, các địa phương đã thống nhất sẽ ngồi lại để đánh giá và cố gắng đảm bảo tiến độ đến tháng 1-2026 thông xe kỹ thuật và quý II-2026 hoàn thành dự án.

Đối với dự án Vành đai 4, ông Mãi thông tin các địa phương đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để kịp trình Chính phủ, trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2024 để Quốc hội có nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư chung cho Vành đai 4, phê duyệt dự án đoạn qua Long An, đồng thời có cơ chế chính sách cho Vành đai 4 chung.

TP.HCM sẽ tự đảm bảo vốn giải phóng mặt bằng cho Vành đai 4; Long An đề nghị Trung ương hỗ trợ 75%; các địa phương khác đề nghị Trung ương hỗ trợ 50%.

Về cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin TP.HCM cùng với Tây Ninh quyết tâm triển khai gói giải phóng mặt bằng và xây lắp trong năm 2024. Sau đó khởi công gói đầu tư công vào quý II-2025 và khởi công gói PPP vào quý I-2026. Cố gắng hoàn thành dự án cuối năm 2027 và đầu năm 2028.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm