Chiều tối 19-6, Tổng thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo về kết quả kỳ họp thứ 9, QH khóa XIV vừa bế mạc chiều cùng ngày.
99% ĐBQH đánh giá cao họp trực tuyến
Trao đổi với báo chí, Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định mặc dù là lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến nhưng kết quả đạt được rất tốt. Điều này mở ra cơ hội để đổi mới hoạt động của QH.
Theo ông Phúc, việc tổ chức kỳ họp thành hai đợt và có khoảng cách giữa hai đợt họp đã tạo điều kiện cho Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH nghiên cứu tiếp thu giải trình các nội dung trình QH thông qua. Qua lấy ý kiến đại biểu (ĐB) QH cho thấy có 98,8% đánh giá kết quả tốt và nhất trí với việc tổ chức họp trực tuyến.
Cùng với đó, trong quá trình họp trực tuyến, mặc dù các ĐB không họp tập trung nhưng việc đăng ký phát biểu, phát biểu thông qua phần mềm rất thuận tiện, dường như không có khoảng cách nào giữa các ĐB.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 9 QH đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn với việc thông qua 10 luật, cho ý kiến đối với sáu dự án luật và thông qua số lượng nghị quyết lớn nhất là 21 nghị quyết nhưng thời gian kỳ họp được bố trí rút ngắn có 19 ngày.
Đặc biệt, theo ông Phúc, nhiều nội dung QH quyết định có ý nghĩa rất quan trọng như nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA). QH đã dành nhiều thời gian để bàn về các chủ trương, giải pháp để từng bước khôi phục nền kinh tế, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN
Chất vấn bằng văn bản đạt chất lượng
Trước đó, phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận định: Kỳ họp đã diễn ra nghiêm túc, dân chủ, đổi mới với tinh thần trách nhiệm cao, chất lượng, hiệu quả và kết thúc thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra.
Sau khi điểm qua kết quả của kỳ họp QH, Chủ tịch QH nêu: “Tại kỳ họp này, QH không tiến hành chất vấn trực tiếp tại hội trường nhưng các vị ĐBQH vẫn tích cực thực hiện chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm”.
Chủ tịch QH nhận định quyền chất vấn của ĐB vẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện Chính phủ đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, Chủ tịch QH cho là nước ta tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn và cũng cần phải hoàn thành rất nhiều nhiệm vụ quan trọng.
“Vì vậy, QH đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân “không lơ là, chủ quan..., đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động, kịp thời ứng phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ủy ban Tư pháp chưa báo Thường vụ QH vụ Hồ Duy Hải Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về vụ án Hồ Duy Hải, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Đây là vụ án phức tạp, trải qua 12 năm. Sau quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, có nhiều ý kiến của dư luận cũng như các ĐBQH. Ủy ban Thường vụ QH có giao Ủy ban Tư pháp xem xét, báo cáo tham mưu cho Ủy ban Thường vụ QH. Đây là thực hiện theo Điều 404 BLTTHS. Ngày 16-6, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể xem xét nội dung này. Ủy ban Tư pháp đến nay chưa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH. Sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghe. Lúc đó sẽ có quyết định. Khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí” . Về phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp, một số ủy viên cho biết ý kiến phát biểu khá nhiều và đa dạng. Một ủy viên cảm nhận “vụ án chưa dừng lại ở đây”. |