Chủ tịch Quốc hội: “Kết quả kiểm toán đăng trên cổng thông tin, ai người ta đọc?”

(PLO)- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói kiểm toán cần công khai, minh bạch vì đây là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-9, phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc. Nội dung đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành là cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Sau khi báo cáo công tác kiểm toán 2023 và báo cáo thẩm tra được trình bày, Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu góp ý, trong đó ông nhấn mạnh vào việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, tiền tệ và công khai, minh bạch trong công bố kế hoạch và công khai kết luận kiểm toán.

"Mỗi năm công bố kết quả kiểm toán, thanh tra phát hiện nhiều sai phạm thấy các đồng chí làm đến nơi đến chốn nhưng mặt thứ 2 lại lo. Vì làm sao các công cụ hoạt động thường xuyên, liên tục như thế nhưng vi phạm không giảm mà có vẻ lại tăng lên", Chủ tịch Quốc hội nói

Theo ông, kiểm toán phải "thà ít mà tốt" để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. "Đừng có rải mành mành ra, làm gì có trọng tâm trọng điểm, mình làm có tác động lan tỏa", Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý rằng: kiểm toán phải đề cao công khai, minh bạch, khách quan trung thực. Bởi vì, theo Chủ tịch Quốc hội, công khai minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.

Chủ tịch Quốc hội nói kiểm toán cần công khai, minh bạch vì đó là vũ khí của kiểm toán. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội nói kiểm toán cần công khai, minh bạch vì đó là vũ khí của kiểm toán. Ảnh: QH

Nói với Phó tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ - người trình bày báo cáo kiểm toán 2023 trước đó - Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Chủ yếu các đồng chí mới đăng tải kết quả kiểm toán thôi... Phải tổ chức họp báo. Trước đây, các cuộc kiểm toán quan trọng đều họp báo công bố công khai. Mình đăng trên cổng thông tin ai người ta đọc, ít người đọc. Báo cáo kiểm toán hàng năm phải công khai, đồng thời lựa chọn các kiểm toán chuyên đề để công khai".

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc công khai kết quả kiểm toán vừa khẳng định sức mạnh của kiểm toán, vừa để dư luận giám sát hoạt động kiểm toán.

"Người ta giám sát kiểm toán làm có đúng không, có đàng hoàng không. "Bao giờ cho đến ngày xưa", nhưng thời anh em chúng tôi là các cơ quan báo chí thường xuyên có mặt ở cơ quan kiểm toán. Mỗi lần họp báo là chuẩn bị toát mồ hôi, nhưng như thế kiểm toán viên người ta mới chịu khó làm cho nó đúng", Chủ tịch Quốc hội nhớ lại thời mình làm Tổng Kiểm toán nhà nước.

Theo báo cáo của KTNN, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 (123 nhiệm vụ) và được định hướng lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; những vấn đề, lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; bám sát, phục vụ tích cực các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phó tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày tại phiên họp. Ảnh: QH

Phó tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày tại phiên họp. Ảnh: QH

Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, Kiểm toán nhà nước cho hay, dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; dự án đường vành đai; các dự án đường ven biển Việt Nam; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án xây dựng bệnh viện…

Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 13 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng Nhà nước; 7 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 5 tổ chức tài chính, ngân hàng.

Thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tập trung ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN năm 2023 để phấn đấu đạt hoặc vượt mục tiêu theo lộ trình đã đề ra tại Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Cũng cần ưu tiên, theo cơ quan thẩm tra còn có các cuộc kiểm toán theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các chuyên đề quan trọng liên quan đến những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và và cử tri quan tâm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm