Dự án Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu cho rằng không có nghĩa vụ thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước

(PLO)- Tổng thầu EPC Trung Quốc cho rằng mình không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo văn bản vừa gửi Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho biết năm 2018 dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư.

Trên cơ sở kết luận, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán; yêu cầu hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định…

Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói (EPC), việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước có những khó khăn nhất định.

Cụ thể ở đây là việc Tổng thầu EPC của Trung Quốc (được chỉ định trong Hiệp định vay), cho rằng mình không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục…

Người dân trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG

Người dân trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG

Đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.

“Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước…”- Bộ GTVT cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây lãnh đạo Bộ GTVT đã họp và yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo chi tiết, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước một cách rõ ràng. Báo cáo cần thể hiện rõ đối với từng nhóm vấn đề, lý do, nguyên nhân, trách nhiệm, chủ thể liên quan. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị xử lý cho từng vấn đề cụ thể để giải quyết dứt điểm.

Kết luận trước đây của Kiểm toán Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ rõ, việc Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư từ 8.769 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng (tăng 9.231 tỉ đồng, hơn gấp đôi) khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội là chưa đúng luật.

Cạnh đó, bộ này điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trong quyết định vào tháng 5-2017 gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại 250 triệu USD là chưa đúng quy định, bổ sung chi phí xây lắp tăng 21 triệu USD do thay đổi biện pháp đầu tư khi chưa có tính toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý…

Sau hơn 1 thập kỷ đầu tư, tháng 11-2021, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đưa vào vận hành khai thác. Sau 10 tháng vận hành, tàu đã vận chuyển được 5,45 triệu hành khách, bình quân 18.300 hành khách/ngày. Doanh thu dự án đạt 46,3 tỉ đồng, trong đó tháng 5-2022 đạt doanh thu cao nhất là gần 6,5 tỉ đồng.

Hiện dự án vẫn còn trên 1.116 tỉ đồng vốn ODA và 575 tỉ đồng vốn đối ứng trong nước chưa được giải ngân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm