Chủ tịch Quốc hội: Việc lựa chọn chủ đề giám sát "rất đúng và rất trúng"

(PLO)- Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị toàn quốc triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hội nghị được tiến hành theo phương thức trực tiếp và trực tuyến tới 49 điểm cầu.

200 kg tài liệu phục vụ một cuộc giám sát

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá năm 2022, hoạt động giám sát có nhiều đổi mới và thu được nhiều kết quả nổi bật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG

Dẫn chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay việc lựa chọn chuyên đề để giám sát cũng được đổi mới. Ông nhắc lại bối cảnh Quốc hội chọn chuyên đề giám sát về quy hoạch khi cả nước mới ban hành được một quy hoạch cấp tỉnh duy nhất là Bắc Giang, một quy hoạch vùng duy nhất là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và một quy hoạch quốc gia duy nhất là quy hoạch sử dụng đất.

“Nhiều người hỏi tại sao lại chọn lĩnh vực này, vì nhìn nhận lĩnh vực này còn nhiều tồn đọng, vướng mắc và cũng cần rà soát lại các quy định của pháp luật”- ông Vương Đình Huệ lý giải.

Vậy là trong năm 2022, Quốc hội lựa chọn hai chuyên đề về công tác quy hoạch và thực hành tiết kiệm chống lãng phí để giám sát tối cao. Hai chuyên đề giám sát giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp huyện, xã và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc lựa chọn chủ đề giám sát "rất đúng và rất trúng". "Quy hoạch vừa chọn làm nội dung giám sát xong đã thấy cả hệ thống chuyển đổi rất mạnh” - ông nói.

Về cách thức tiến hành giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho hay việc lựa chọn cơ quan, đơn vị giám sát cũng không nhiều như trước đây. "Cần thiết thì đi, không cần thiết thì thôi. Mà xuống cũng chỉ làm những việc cần thiết" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bố trí thời gian nghe kết quả giám sát, từ đó có sự chỉ đạo, điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đảm bảo nâng cao chất lượng giám sát.

Theo ông Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hai lần cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát, lần gần đây nhất là tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 để chuẩn bị kỹ lưỡng, trình Quốc hội tại kỳ họp 4 tháng 10 tới.

"Cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là cuộc giám sát rất quy mô. Đồng chí Tổng thư ký Quốc hội nói có tới 200 kg tài liệu, với hàng trăm báo cáo" - Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Năm 2023: lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Về chương trình giám sát năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành các hoạt động xem xét các báo cáo, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: PHẠM THẮNG

Ngoài ra, Quốc hội sẽ giám sát tối cao hai chuyên đề về sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19, y tế cơ sở và y tế dự phòng; việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát hai chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và phát triển năng lượng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là vấn đề đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện.

"Giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý phải phát huy được những mô hình tốt, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt.

Cùng với đó là đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

“Xây dựng pháp luật là để kiến tạo phát triển. Công tác giám sát cũng phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Tập trung chất vấn những vấn đề “nóng”, bức xúc

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, phiên họp thứ 9 và thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới.

Việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn đã bám sát những vấn đề của thực tiễn, thể hiện rất “đúng” và “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.

Cũng theo ông Cường, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã xem xét báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Trên cơ sở xem xét, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trong đó, cho phép điều chỉnh một số quy định hiện hành chưa phù hợp, tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt để đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác lập quy hoạch.

Quốc hội cũng giao Chính phủ đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch để sớm đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch và các luật liên quan đến quy hoạch vào thời gian phù hợp.

Tại phiên họp tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát và nghị quyết về giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Đoàn giám sát đang tiếp tục hoàn thiện báo cáo và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 4 với kỳ vọng giải quyết được những tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí trong nhiều lĩnh vực, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm