Chiều 26-8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các sở ngành, quận huyện về công tác giải ngân vốn đầu tư công và các giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu trong năm 2020.
Giải ngân không đạt, không xét thi đua
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết tính đến hết ngày 23-8, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân là gần 21.300 tỉ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch vốn TP đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính luôn khối lượng hoàn thành nhưng chưa thực hiện xong thủ tục giải ngân tại Kho bạc Nhà nước (hơn 2.100 tỉ đồng) thì tỉ lệ giải ngân đạt 55,5% kế hoạch.
Theo bà Mai, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng tích cực. Số vốn giải ngân lớn hơn gấp 2,35 lần so với cùng kỳ, tỉ lệ giải ngân cũng tăng hơn gấp 1,89 lần so với cùng kỳ. Đó là nhờ sự chủ động và nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp. “TP sẽ nỗ lực cao nhất, phấn đấu cả năm 2020 giải ngân đạt trên 95%” - bà Mai nói.
Để đạt được điều đó, bà đưa ra hàng loạt giải pháp như Sở KH&ĐT sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND TP ban hành chương trình hành động trong ba tháng cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; phục hồi kinh tế...
TP.HCM cũng sẽ nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư trong việc giải ngân. Trường hợp tỉ lệ giải ngân không đạt yêu cầu đề ra thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và không chi thu nhập tăng thêm cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện cũng đã báo cáo tiến độ giải ngân đầu tư công. Đáng chú ý, có nhiều quận, huyện tỉ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp, như quận 2 những dự án vốn lớn còn vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Huyện Nhà Bè tiến độ cũng không đạt, mới chỉ được 49%, bởi đang chờ phê duyệt giá hai dự án. Còn quận 9 hiện giải ngân được hơn 45% do vướng mắc công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo các sở ngành, quận huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, cho rằng hiện nay một số dự án vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do quy trình giải quyết hồ sơ. Do đó, ông kiến nghị khi phê duyệt dự án phải phê duyệt giá bồi thường và giá tái định cư phải phê duyệt song song. Có thể cho giá bồi thường đi trước trong trường hợp giá định cư chưa xong.
Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ngành, địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.LÂM
Mỗi tuần phải giải ngân 900 tỉ đồng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ đây đến cuối năm, mỗi tuần TP phải giải ngân trung bình 900 tỉ đồng. Do đó, ông yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần có các giải pháp mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 80% vào ngày 15-10 và 95% đến cuối năm 2020.
“Để hoàn thành kế hoạch trong bối cảnh dịch COVI-19 còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư phải chủ động hơn nữa và điều hành đồng bộ, hiệu quả. Nếu có vướng mắc phải báo cáo ngay để tháo gỡ, không chờ đợi nhau. Tiến độ công trình không cho phép chúng ta chần chừ, trì trệ” - ông Phong nói.
Ông yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân của từng dự án cụ thể và điều chuyển vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện cần đặt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý hồ sơ công việc so với quy trình cơ quan, đơn vị đang triển khai hiện nay, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đề xuất tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Báo cáo về thu ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết thu ngân sách nhà nước tám tháng đầu năm ước đạt hơn 216.000 tỉ đồng, đạt 53,41% kế hoạch. Theo bà Hà, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm tác động tiêu cực đến số thu ngân sách nội địa. Với những biện pháp kích thích khôi phục kinh tế, từ tháng 6 số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP đã có những tín hiệu tích cực sau khoảng thời gian trầm lắng. Trong năm nay, TP nỗ lực đạt ít nhất 85% dự toán được giao, ước thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt 347.000 tỉ đồng. Bà Hà đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. TP.HCM tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rà soát thu hồi nợ đọng, triển khai các biện pháp chống thất thu và gian lận thuế, thu hồi nợ thuế, xử lý tình trạng lợi dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trốn thuế. Tổ chức thanh tra, kiểm tra ngay đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm có rủi ro cao về thuế... |