Nhiều người dân tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết trong thời gian cách ly xã hội do COVID-19, chủ đầu tư dự án Khu dân cư Núi Dòng Dài là Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Phước Tân (Công ty Phước Tân) đã cho đơn vị thi công san lấp mặt bằng, lấp nhiều diện tích đất của họ mà chưa thương lượng, bồi thường.
Nhiều thửa đất bị san lấp hết
Bà Võ Thị Kim Tuyền (ấp Đồng, phường Phước Tân) cho biết bà có gần 2 ha ruộng đã đăng ký tại xã Phước Tân (nay là phường Phước Tân) và thực hiện canh tác ổn định nhiều năm qua, một số diện tích đã được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay, Công ty Phước Tân là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Núi Dòng Dài đã tiến hành san lấp đất của bà và nhiều người khác mà chưa hề thương lượng, bồi thường.
Theo bà Tuyền, có những thửa đất của bà đã bị san lấp 100% và gần như bà chỉ áng áng vị trí chứ không thể xác định được chính xác. Gần đây, thêm một số thửa đất của bà cũng bị san lấp một phần hoặc bị san lấp luôn các ranh mốc. “Đất ruộng của người dân thì chủ yếu là các ranh mốc tự nhiên như dựa vào cái cây, ụ đất, bờ dường… Tuy nhiên, giờ chủ đầu tư san lấp hết. Họ san lấp các ranh mốc trước rồi từ từ san phẳng. Vậy mà khi chúng tôi phản ứng với chủ đầu tư thì họ nói đất của bà chỗ nào, bà chỉ đi tôi móc lên trả lại cho. Trả lời vậy thì làm sao người dân chúng tôi không bức xúc” - bà Tuyền bày tỏ.
Chung cảnh ngộ, ông V. cho biết cuối năm 2019, việc san ủi đất chưa bồi thường chỉ diễn ra trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, trong tháng 3 và 4-2020, lợi dụng cách ly xã hội người dân ít ra trông coi đất, chủ đầu tư đã san lấp lấn sang nhiều diện tích đất của ông và nhiều người dân. “Để giữ đất của mình, chúng tôi sáng vác các cọc ra cắm ở những ranh đất bị san lấp, chiều ra nhổ để thu cọc về. Vì nếu để lại thì chỉ qua một đêm, tất cả cọc, bảng hiệu đều biến mất” - ông V. nói.
Người dân cắm cọc và bảng để ngăn chủ đầu tư không tiếp tục san lấp đất của mình. Ảnh: QUANG HUY
Dự án triển khai 13 năm vẫn chưa xong
Trước thông tin người dân phản ánh, ông Đỗ Hoài Thu, Giám đốc Công ty Phước Tân, cho biết dự án triển khai từ năm 2007, đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa xong vì việc bồi thường khó khăn. Đến nay chỉ mới bồi thường được 91% diện tích, số còn lại do người dân và chủ đầu tư không thống nhất được mức giá bồi thường.
“Phần diện tích của các hộ dân chưa bồi thường nằm da beo, đất để hoang hóa lâu, không có ranh đất nên đơn vị thi công đường có lấn vô diện tích đất của người dân mấy mét. Người dân không đồng ý thì mình múc đất vén lên cho người dân thôi” - ông Thu nói.
Ông Thu cho biết thêm dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, song song với đó chủ đầu tư trực tiếp thỏa thuận bồi thường với người dân. Hiện phần diện tích của các hộ dân chưa bồi thường thì chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch phường Phước Tân, cho biết dự án khu dân cư này rất lớn. Các ranh mốc các thửa đất rất khó xác định nên chủ đầu tư đã san lấp sang những thửa đất của người dân chưa được bồi thường. “Hiện phường đã kiểm tra lập biên bản và yêu cầu chủ đầu tư ngưng thi công san lấp những vị trí chưa rõ ràng về ranh mốc với những thửa đất của người dân chưa thương lượng bồi thường. Phường yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ rồi mới được làm tiếp” - ông Trọng nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc chủ đầu tư tự ý san lấp đất hoặc lấn sang đất của người dân chưa thương lượng bồi thường là vi phạm pháp luật. Theo luật sư Hậu, trong trường hợp này, người dân cần khiếu nại lên cơ quan chính quyền các cấp buộc chủ đầu tư phải ngừng san lấp sai phạm. Chủ đầu tư phải ngồi lại thương lượng bồi thường cho người dân mới được tiếp tục thi công. |