Tôi và vợ chung sống với nhau được hai năm. Do gia đình hai bên phản đối nên chúng tôi không tổ chức cưới hỏi và không đăng ký kết hôn. Một tháng trước, vợ tôi sinh con. Nay tôi muốn làm khai sinh cho con và để con theo họ tôi. Tôi nghe nói nếu chúng tôi chưa đăng ký kết hôn thì phải làm xét nghiệm ADN để chứng minh huyết thống và phải làm cả thủ tục nhận con thì con tôi mới được theo họ cha.
Vậy xin hỏi, tôi có phải làm xét nghiệm ADN để được nhận con hay không?
Bạn đọc Đỗ Phú Dương (Huyện Củ Chi, TP.HCM)
Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn nhưng không kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Do không làm phát sinh quan hệ vợ chồng nên về pháp lý, chưa thể xác định mối quan hệ cha con giữa anh Dương và con mới sinh.
Tuy nhiên, dù anh Dương và vợ chưa đăng ký kết hôn nhưng con anh vẫn có quyền được khai sinh. Trường hợp này thủ tục khai sinh cho trẻ được thực hiện tại UBND xã, phường nơi cư trú của người vợ.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 15 Nghị định 123/2015, trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh, họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ. Phần ghi về cha trong sổ hộ tịch và giấy khai sinh của trẻ để trống.
Mặt khác, nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND xã, phường nơi thực hiện thủ tục khai sinh kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Khi đó, nội dung đăng ký khai sinh về họ tên, quê quán, dân tộc, quốc tịch của con được xác định theo thỏa thuận giữa cha, mẹ.
Trước đây, theo Điều 11 và Điều 12 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Nghị định 123/2015, để thực hiện thủ tục nhận con, người yêu cầu phải xuất trình các chứng cứ, văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con (như kết quả giám định ADN…) hoặc các thư từ, đồ vật chứng minh mối quan hệ huyết thống.
Tuy nhiên, vừa qua Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 04/2020 (có hiệu lực từ 16-7-2020, thay thế Thông tư 15/2015). Theo đó, khoản 3 Điều 16 Thông tư 04/2020 nêu rõ: Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha con.
(PL)- Khi phát hiện con có hai giấy khai sinh, hai họ tên khác nhau, người cha 70 tuổi đã yêu cầu hủy bỏ giấy khai sinh thứ hai và được chấp nhận.