Theo trình bày của ông Bùi Quang Trắc (70 tuổi), khoảng năm 2005, ông và bà NTT (48 tuổi, ngụ Bình Dương) chung sống với nhau như vợ chồng. Sau đó ông Trắc và bà T. có với nhau một con chung, cháu bé được sinh tại BV đa khoa TP Biên Hòa, Đồng Nai.
Người mẹ làm lại giấy khai sinh
Theo giấy khai sinh do UBND xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ cấp ngày 14-1-2008, bé trai sinh ngày 18-11-2007 và được đặt tên là BĐB. Trong giấy khai sinh này thể hiện phần thông tin người cha là ông Bùi Quang Trắc, mẹ là bà NTT.
Sau đó hai người sinh sống tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa nhưng trong quá trình chung sống, vì bất đồng quan điểm nên xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Từ đó, bà T. đã dẫn con đi nơi khác ở mà không thông báo cho ông Trắc biết.
Năm 2010, bà T. đã làm đơn xin cấp lại giấy khai sinh cho cháu B. có nộp kèm đơn cớ mất giấy khai sinh cũ. Từ yêu cầu này, ngày 31-12-2010, UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cấp lại giấy khai sinh thể hiện cháu bé tên NAH (mang họ mẹ). Trong giấy khai sinh, phần thông tin của mẹ là bà T. nhưng phần bên cha thì để trống.
Thời gian sau đó, ông Trắc phát hiện sự việc nên đã gửi đơn khiếu nại yêu cầu phường Trảng Dài hủy giấy khai sinh sau. Ông Trắc cho rằng UBND phường đã sai khi cấp giấy khai sinh thứ hai cho con của ông với tên họ khác giấy khai sinh ban đầu và thiếu nội dung ông là cha cháu bé. Bởi trước đó ngày 14-1-2008, UBND xã Tùng Khê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đã cấp giấy khai sinh với những thông tin chính xác.
Theo ông Trắc, giấy khai sinh thứ hai không công nhận quyền làm cha của ông đối với cháu bé là không đúng nên yêu cầu UBND phường hủy giấy này, trả lại quyền làm cha cho ông và họ tên BĐB cho cháu bé.
Sau khi UBND phường trả lời không thỏa đáng, ông Trắc tiếp tục khiếu nại đến UBND TP Biên Hòa. Ngày 9-3, cơ quan này có văn bản xác định giấy khai sinh mà UBND phường Trảng Dài cấp ngày 31-12-2010 cho cháu bé mang họ tên NAH là không phù hợp pháp luật.
Từ đó, UBND TP Biên Hòa đã có quyết định thu hồi, hủy bỏ bản chính và toàn bộ bản sao giấy khai sinh này của cháu bé. Đồng thời, cơ quan này gửi văn bản yêu cầu UBND phường Trảng Dài thực hiện việc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đã cấp.
Ông Bùi Quang Trắc đang trình bày. Ảnh: MINH VƯƠNG
UBND phường nói gì?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 3-11, đại diện UBND phường Trảng Dài, TP Biên Hòa cho biết giấy khai sinh mang tên NAH là do bà T. đi kê khai xin cấp lại.
Cụ thể, trong đơn cớ mất gửi đến UBND phường, bà T. trình bày bị mất giấy khai sinh của con. Trong đơn có sự xác nhận của bệnh viện nơi bà T. sinh con và cơ quan công an nơi bà cư trú. Chính vì bà T. đã thực hiện đúng thủ tục theo quy định nên đã được cấp lại giấy khai sinh. Vụ việc cháu bé có hai giấy khai sinh với hai họ tên khác nhau chỉ phát hiện ra khi có khiếu nại của ông Trắc.
Theo ông Hồ Viết Dũng, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trảng Dài, sau khi UBND TP Biên Hòa có văn bản yêu cầu hủy giấy khai sinh thứ hai thì phường thực hiện nghiêm túc và tích cực. Tuy nhiên, hiện nay phường gặp vướng là bà T. không hợp tác nên việc thu hồi lại giấy khai sinh chưa xong.
Theo đó, UBND phường đã liên lạc bằng điện thoại, đến tận nơi cư trú để tống đạt quyết định, thậm chí gửi chuyển phát nhanh có hồi báo nhưng bà T. vẫn chưa nộp lại giấy khai sinh.
Trong đơn khiếu nại, ông Trắc cung cấp thông tin cháu bé đang học tại một trường cấp 2 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngày 7-9, UBND phường đã gửi công văn đến nhờ nhà trường hỗ trợ trong việc vận động bà T. mang giấy khai sinh đến UBND phường nộp lại. Tuy nhiên, với các biện pháp này đến nay vẫn chưa có kết quả.
Với câu hỏi sắp tới UBND phường sẽ làm gì để thu hồi giấy khai sinh trên, ông Dũng cho biết vẫn đang tìm cách phù hợp để gặp gỡ bà T. yêu cầu nộp lại giấy khai sinh đã bị thu hồi. Thực tế thì giấy khai sinh này đã bị hủy bỏ nên không còn giá trị pháp lý.
18 tuổi có quyền thay đổi họ tên Theo ông Hồ Viết Dũng, công chức tư pháp - hộ tịch UBND phường Trảng Dài, khi cháu bé đủ 18 tuổi thì tự cháu có thể yêu cầu và thực hiện thay đổi họ tên của mình nếu muốn. Cụ thể, điểm d khoản 1 Điều 28 BLDS 2015 quy định về quyền thay đổi tên. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp người yêu cầu bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình. Ngoài ra, khi muốn nhận cha và ngược lại muốn xác định cháu bé là con của mình thì người yêu cầu có thể thực hiện thông qua việc xét nghiệm ADN và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, tuyên bố. |