Tài xế công nghệ (TXCN) phải dậy sớm và bôn ba trên những con đường để phục vụ nhu cầu khách hàng. Những buổi sáng chạy đua cho khách hàng đi chấm công, những buổi trưa đưa đón khách hàng đi ăn hay chiều chiều lại chở bà cháu đi học về. Công việc ấy tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi ở TXCN hơn cả tiêu chuẩn của một người tài xế.
Chạy xe bằng cái tâm thôi là chưa đủ
Anh Nguyễn Đăng Khoa (quận 12) chia sẻ: “Tôi từng đón một khách hàng đi quận 1, vào đúng giờ cao điểm nên di chuyển khá chậm. Khách liền đề nghị tôi đi theo ý của họ và trả thêm tiền. Tuy nhiên, đi theo con đường đó là vi phạm luật giao thông nên tôi không thể thực hiện theo được. Ngay lúc đó, họ liền có những từ ngữ khiếm nhã với tôi và tới lúc xuống xe như muốn đánh tôi vậy. Họ đã đập cửa rất mạnh và đưa tiền như “làm phúc” lại còn chửi tôi nữa”.
Khảo sát “Kỳ vọng của TXCN” vừa được công bố cũng cho thấy điều đó. Khảo sát do ThS Trần Nam (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) thực hiện với 1.000 tài xế trên cả nước. Trong đó, 47% TXCN cảm thấy không được tôn trọng trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, biểu hiện qua các hành vi như để tài xế chờ quá lâu, hủy chuyến mà không phản hồi hay việc dùng từ ngữ thiếu tôn trọng để giao tiếp.
Thực tế, không ít người trong xã hội có suy nghĩ chê bai TXCN, đặc biệt có những định kiến khắt khe. Họ cho rằng TXCN chỉ cần có xe và một chiếc điện thoại thông minh thì sẽ làm được, hay công việc chỉ dành cho những người không xin được việc làm và sinh viên ra trường thất nghiệp. Thậm chí họ còn nhận xét TXCN là những người lười biếng, chỉ biết “vòi” tiền của khách hàng trong mỗi cuốc xe.
Người dùng vẫn có lý do chính đáng để suy nghĩ vậy vì thực tế nghề TXCN vẫn chưa có một trường lớp đào tạo bài bản tại Việt Nam. Việc tài xế chạy bằng cái tâm thôi là chưa đủ, họ cũng cần những khóa huấn luyện chuyên nghiệp để có thể hành nghề tốt hơn. Đó cũng chính là kết quả khảo sát trên báo điện tử VnExpress khi có 72% bạn đọc mong muốn TXCN được huấn luyện chuyên nghiệp hơn, để có thể đem lại dịch vụ chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Và ngay cả bản thân TXCN, có khoảng 23,1% người cũng muốn được huấn luyện nhiều hơn các kỹ năng để có thể làm tốt công việc.
Cần được bảo đảm quyền lợi và được đào tạo quy chuẩn
Theo luật mới vừa được California (Mỹ) thông qua, các công ty như Uber, Lyft phải đối xử với tài xế như nhân viên dù không đáp ứng một số điều kiện. Họ phải được hưởng phúc lợi cũng như bảo hiểm giống người làm công ăn lương khác. Họ được ăn lương tối thiểu, nghỉ ốm, bảo hiểm y tế và các biện pháp bảo vệ khác. Được biết luật mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. |
Không chỉ chuẩn bị quyền lợi tốt cho tài xế, lực lượng lao động TXCN cũng cần được đào tạo bài bản để phục vụ khách hàng tốt hơn. Mới đây nhất, trong báo cáo gửi lên Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ bổ sung một số quy định để đảm bảo công bằng giữa taxi truyền thống và xe ứng dụng hợp đồng điện tử, trong đó có việc các TXCN cũng phải tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông.
Vừa qua, BE Group cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mở khóa huấn luyện đầu tiên cho TXCN.
Hiện tại, ứng dụng gọi xe be đã phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) mở khóa huấn luyện TXCN đầu tiên. Chương trình được giảng dạy bởi các giảng viên uy tín với các nội dung về kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống an toàn giao thông đường bộ, dịch vụ khách hàng, kiểm soát cảm xúc, kiểm soát căng thẳng.
"Nếu tài xế được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, coi trọng nghề nghiệp của mình, họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ với khách hàng. Bản thân khách hàng cũng có cái nhìn thiện cảm hơn, từ đó thay đổi định kiến với nghề TXCN" - ông Trần Thanh Hải, CEO BE Group, chia sẻ.
Với hàng loạt các hành động thiết thực, có thể nói be là doanh nghiệp tiên phong giới thiệu một chuẩn mực hoàn toàn mới về chế độ đối xử công bằng hơn cho các tài xế. Dựa trên mô hình của be, các nhà chức trách khi thấy rõ hiệu quả và lợi ích cho người lao động, sẽ có cơ sở thực tế để cụ thể hóa lại bằng luật và áp dụng cho các doanh nghiệp gọi xe khác trên thị trường.